Việc Thục Phán đánh bại quân Tần xâm lược thực chất phần lớn là do công lao của nhân dân Văn Lang. Nhân dân Văn Lang với truyền thống chống ngoại xâm (Đế Lai, giặc Ân, Thục Phán) có thể đã tạm liên minh với Thục Phán để chống kẻ thù lớn hơn. An Dương Vương, “kẻ thù của kẻ thù” đã trở thành bạn của Văn Lang trong trường hợp như vậy. Sau này, khi đã kháng chiến thắng lợi, Thục Phán còn gây áp lực để Hùng Vương nhường ngôi, xóa nước Văn Lang, lập ra nước Âu Lạc.
Thậm chí, Thần tích đền Chèm ghi Thục Phán đánh nhau với Tần Thủy Hoàng, muốn “cầu hòa” nên đem Lý Ông Trọng mà hiến để xin bãi binh. Như vậy, chứng tỏ Thục Phán đã có một sự tính toán nhất định để sử dụng thủ đoạn trong chiến tranh, một điều không bao giờ gặp vào thời Văn Lang.
Do đó, dù Thục Phán là “anh hùng đánh bại quân Tần” thì vẫn không thể xua tan tâm lý “bài ngoại” của cư dân Văn Lang vốn còn lưu giữ chế độ thị tộc rất sâu sắc. Bởi Thục Phán là thủ lĩnh ngoại tộc bị nhà Tần dồn đuổi mới chạy xuống vùng đất Văn Lang và đã cướp ngôi vua của Hùng Vương thứ mười tám. Những cuộc chiến đã diễn ra giữa hai bên Hùng – Thục được miêu tả rất nóng bỏng và sinh mạng của người Văn Lang đã bị tàn hại rất nhiều.