Kiến thức mà chúng ta có được chỉ như giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la. Do đó chúng ta cần không ngừng tích lũy tri thức cho mình. Có rất nhiều cách để học và đọc sách là một cách học đem lại hiệu quả cao. Phải chăng vì lẽ ấy mà có ý kiến cho rằng: "Sách là ngọn đèn bất diệt của con người"?
Sách là kết tinh tri thức, kinh nghiệm của nhân loại từ ngàn đời. Sách có sự phong phú về cả nội dung lẫn thể loại. Khi ví sách như ngọn đèn sáng bất diệt có nghĩa ta đang đề cao vai trò của sách. Sách như ngọn đèn tỏa ra ánh sáng tốt đẹp, đặc biệt thứ ánh sáng ấy còn "bất diệt" - trường tồn với thời gian. Sách sẽ cung cấp những điều hay lẽ phải để làm giàu cho trí tuệ con người. Trí tuệ sẽ giúp chúng ta sống đẹp và sống có ích. Như vậy, nhận định trên đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của sách với trí tuệ con người.
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của sách. Song ý kiến trên không hoàn toàn đúng đắn. Đúng là sách đã cung cấp cho nhân loại vô vàn tri thức: toán học, văn học, lịch sử, địa lí, âm nhạc, kĩ năng sống,... Đó đều là những tri thức quý báu tạo nên một nền tảng tốt nhất để chúng ta vững bước vào đời. Tuy nhiên, sách chỉ trở thành "ngọn đèn bất diệt" khi đó là cuốn sách hay, có giá trị, ý nghĩa. Trên thị trường, vẫn có rất nhiều những cuốn sách vô bổ. Những thứ vô thưởng vô phạt cùng văn hóa phẩm đồi trụy sẽ không làm giàu cho tri thức của chúng ta. Nguy hại hơn, chúng có thể chuyển và những tư tưởng xấu, khiến nhận thức của chúng ta bị lệch lạc, méo mó.Do đó, việc chọn sách để đọc là vô cùng quan trọng. Chúng ta cần đọc sách với thái độ bộ "gạn đục khơi trong", biết chọn lọc những cuốn sách bổ ích để học hỏi. Đồng thời, cần tích cực bài trừ sách lậu, sách chứa những tư tưởng phản khoa học, phản nhân văn.
Như vậy ý kiến trên không sai nhưng vẫn chưa thật sự đúng đắn. Chúng ta cần đọc sách để tri thức càng ngày càng sâu rộng hơn. Nhưng điều quan trọng là chúng ta cần biết lựa chọn những cuốn sách có giá trị để đọc.