I, Dàn ý tham khảo
A. Mở bài
- Dẫn dắt vấn đề
- Nêu vấn đề: Hiện tượng học sinh sử dụng di động chưa đúng cách, với mục đích chưa tốt.
B. Thân bài
1. Biểu hiện
- Hiện hữu rõ nét ở các em học sinh. Rất nhiều em sử dụng điện thoại với những mục đích không tốt, lệch lạc.
2. Thực trạng
- Phổ biến trong xã hội hiện nay.
3. Nguyên nhân
- Do ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông.
- Do sự quản lí lỏng lẻo của cha mẹ. Bố mẹ vì quá bận rộn với công việc, với cuộc sống hằng ngày nên đã vô tình quên mất đi sự thay đổi của con. Hơn hết, có nhiều bố mẹ còn lạm dụng điện thoại để "nịnh" con học bài, để không bị con làm phiền khi làm việc. Chính điều đó đã biến bố mẹ thành "kẻ tiếp tay" cho những hành động sai trái của con cái khi sử dụng điện thoại.
- Hơn thế nữa, nguyên nhân còn là do gia đình, nhà trường chưa có những biện pháp nhằm khắc phục hiện tượng trên. Hoặc nếu có thì chỉ mang tính chất răn đe, con sẽ không sợ và chắc chắn sẽ tái phạm vào lần sau.
4. Hệ lụy
- Gây nên một hiện tượng xấu trong xã hội.
- Khi bị bố mẹ phát hiện và khiển trách, con cái sẽ cãi lời cha mẹ thậm chí có những hành động bạo lực, thô tục, vô văn hóa do bị ảnh hưởng bởi những thú vui lệch lạc mà những thông tin, phần mềm trong điện thoại mang lại.
- Nhiều bạn học sinh bỏ bê học hành, chỉ chú tâm vào điện thoại.
- Hơn thế nữa, khi dán mắt vào điện thoại quá nhiều, các em sẽ bị hỏng mắt thậm chí là mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm khác nhau.
5. Biện pháp
- Gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp chặt chẽ với nhau để quản lí con cái trong việc sử dụng điện thoại.
- Nâng cao nhận thức cho các em học sinh về những tác hại mà việc sử dụng điện thoại không đúng cách, mục đích không tốt mang lại.
- Đề ra những biện pháp xử phạt nghiêm minh nếu phát hiện học sinh, con cái sử dụng điện thoại không đúng cách, mục đích không tốt mang lại.
6. Liên hệ bản thân
C. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận.
II, Bài văn tham khảo
Điện thoại di động đã trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, cạnh bên những em học sinh sử dụng nó như một trong những phương tiện thông tin liên lạc hữu ích vẫn còn tồn đọng một bộ phận học sinh lại sử dụng nó chưa đúng cách, với mục đích chưa tốt.
Thực trạng này dần đã phổ biến trong xã hội hiện nay. Khi mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những em học sinh sử dụng điện thoại để chơi game, nghịch ngợm trong giờ học thậm chí là xem những chương trình hết sức lố lăng, thô kệch.
Vậy, nguyên nhân do đâu làm xuất hiện hiện tượng này? Trước hết đó là do ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Hơn hết, đó còn là do sự quản lí lỏng lẻo của cha mẹ. Bố mẹ vì quá bận rộn với công việc, với cuộc sống hằng ngày nên đã vô tình quên mất đi sự thay đổi của con. Hơn hết, có nhiều bố mẹ còn lạm dụng điện thoại để "nịnh" con học bài, để không bị con làm phiền khi làm việc. Chính điều đó đã biến bố mẹ thành "kẻ tiếp tay" cho những hành động sai trái của con cái khi sử dụng điện thoại. Chưa dừng lại ở đỏ, nguyên nhân còn là do gia đình, nhà trường chưa có những biện pháp nhằm khắc phục hiện tượng trên. Hoặc nếu có thì chỉ mang tính chất răn đe, con sẽ không sợ và chắc chắn sẽ tái phạm vào lần sau.
Chính những điều đó đã gây nên một tác hại vô cùng to lớn cho chính bản thân các em học sinh và gia đình, nhà trường, xã hội. Trước hết, nó đã làm hình thành một hiện tượng xấu trong xã hội. Bên cạnh đó, khi bị bố mẹ phát hiện và khiển trách, con cái sẽ cãi lời cha mẹ thậm chí có những hành động bạo lực, thô tục, vô văn hóa do bị ảnh hưởng bởi những thú vui lệch lạc mà những thông tin, phần mềm trong điện thoại mang lại. Chưa dừng lại ở đó, nhiều bạn học sinh bỏ bê học hành, chỉ chú tâm vào điện thoại, bị nó tiêu khiển. Hơn thế nữa, khi dán mắt vào điện thoại quá nhiều, các em sẽ bị hỏng mắt thậm chí là mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm khác nhau.
Trước những hệ lụy to lớn đó, bậc phụ huynh học sinh và nhà trường, xã hội cần phải đề ra những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng đó. Trước hết, gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp chặt chẽ với nhau để quản lí con cái trong việc sử dụng điện thoại. Hơn hết, hãy nâng cao nhận thức cho các em học sinh về những tác hại mà việc sử dụng điện thoại không đúng cách, mục đích không tốt mang lại. Từ đó, đề ra những biện pháp xử phạt nghiêm minh nếu phát hiện học sinh, con cái sử dụng điện thoại không đúng cách, mục đích không tốt mang lại.
Thật vậy, điện thoại di động sẽ là công cụ hữu ích khi chúng ta sử dụng nó với mục đích chính đáng nhưng nó sẽ là vô ích thậm chí là hủy hoại con người ta khi sử dụng nó chưa đúng cách, với mục đích chưa tốt. Qua đây, mỗi chúng ta hãy nâng cao ý thức cho bản thân và đừng để điện thoại tiêu khiển.