Đáp án đúng:
Giải chi tiết:a. Giải thích:
- Người lười biếng: Lười suy nghĩ, học tập, lao động.
- Thành công : Là mục đích, kết quả mà bản thân mất công sức, thời gian, trí tuệ trải qua gian nan, thậm chí cả thất bại mới có được
Nhà văn Lỗ Tấn đã đúc kết nên chân lí của sự thành công: Muốn thành công phải chăm chỉ, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, học tập và lao động.
b.Phân tích:
- Con đường dẫn tới thành công là con đường chông gai, đầy khó khăn, thử thách chứ không phải bằng nhung lụa. Đó là cả quá trình học tập, lao động, nghiên cứu, sáng tạo không ngừng, đòi hỏi con người phải cần cù, miệt mài, chịu khó và có ý chí thì mới thành. Không có thành công nào đến mà không phải đổ mồ hôi, công sức.
+ Ví dụ: Người nông dân làm ra hạt gạo phải "một nắng hai sương":
"Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần"
(Ca dao)
Một công trình khoa học, một sáng chế ra đời: là cả một quá trình nghiên cứu, lao động miệt mài, khó nhọc của người kĩ sư mới có được.
Hiện nay, lười biếng là một căn bệnh khá phổ biến, nhất là ở những bạn trẻ bởi họ được nuông chiều, được sống trong điều kiện dư giả,… Lười biếng sẽ khiến họ sống mờ nhạt, không có lí tưởng, không mục đích, không ý nghĩa và dễ thất bại trong cuộc sống. Dẫn chứng: "Làm biếng ngồi ăn lở núi non" (Nguyễn Trãi), "Lười biếng là mẹ đẻ của sự ăn cắp và đói rét" (V. Huy-go)
c.Bàn luận, mở rộng:
- Sự chăm chỉ, thái độ tinh thần làm việc nghiêm túc là một phẩm chất tốt đẹp mà con người cần có. Tuy nhiên, chăm chỉ thôi chưa đủ, nhất là trong thời đại ngày nay, chúng ta cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy trí tuệ để rút ngắn con đường đến với thành công.
Phê phán, lên án thói lười biếng, ỷ lại.
d.Bài học, liên hệ bản thân:
Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, em cần chăm chỉ học tập, rèn luyện, biết quý trọng thời gian và tận dụng mọi cơ hội học tập để có nền tảng kiến thức, kĩ năng tốt khi bước vào đời.