Trong xã hội chúng ta, dù muốn hay không thì bên cạnh những người may mắn được hưởng cuộc sống đầy đủ hạnh phúc vẫn còn có nhiều người sống cảnh đời lay lắt, đói nghèo, bệnh tật. Với đạo lí làm người, con người phải biết cùng nhau chia sẻ những khó khăn hoạn nạn. Từ hình ảnh của một hiện tượng tự nhiên, của đời sống sinh hoạt, khi nói về mối tương thân tương ái ấy, cha ông ta đã có câu Lá lành đùm lá rách.
Lá lành đùm lá rách là một câu tục ngữ ngắn gọn chứa đựng nhiều lớp nghĩa. Xét về mặt nghĩa đen, lá là một bộ phận của cây. Trên cây, lá lành thường là những lá không bị sâu bọ, gió bão tác động, lá khỏe hơn, phát triển mạnh mẽ, vươn lên cao. Trái lại, những lá bị sâu bọ hay gió bão làm cho rách thường sẽ tả tơi, rũ xuống nên sẽ ở phía dưới, núp sau những lá lành như tìm một nơi ẩn nấp, che chở.
Hay từ một nét sinh hoạt của cuộc sống với nghề làm bánh, lá chuối hay lá dong là hai thứ lá rất phổ biến khi dùng để gói bánh. Người ta sẽ xếp những lớp lá xấu hơn hay rách vào bên trong, ngoài cùng sẽ là lớp lá lành lặn, đẹp đẽ để bánh vừa chắc vừa đẹp. Qua đó cũng có thể hiểu thêm về sự khéo léo tinh tế trong việc làm bánh của con người. Từ hình ảnh tự nhiên và thực tế đời sống, với sự liên tưởng phong phú, cha ông ta đã đúc kết lên một đạo lí làm người mà khi nhắc đến Lá lành đùm lá rách ta phải hiểu theo nghĩa bóng hay chính là hiểu theo sự liên tưởng phong phú ấy. Đó chính là tinh thần tương thân tương ái, là sự bao bọc, che chở cho những con người kém may mắn trong xã hội để giúp họ vơi bớt đi những khó khăn. Những ý nghĩa sâu săc sấy chính là bài học về cách làm người, về cách ứng xử trong xã hội, trong cuộc sống hôm nay. Cách ứng xử ấy, ngày nay đã được đưa vào giáo dục trong các trường mầm non, tiểu học, dù các em học sinh còn rất nhỏ nhưng các em đã biết tham gia vào các hoạt động tương thân tương ái như quyên góp quần áo cũ, sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi để tặng các bạn vùng khó khăn, bão lũ. Các em biết tiết kiệm tiền ăn sáng để ủng hộ cho học sinh khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam… Đạo lí Lá lành đùm lá rách đã trở thành phong trào thi đua trong mỗi trường học, khơi dậy trong các em tình yêu thương đồng loại. Tình yêu thương ấy không biết bao nhiêu là đủ, khi con người ta phải chống chọi cái đói, cái nghèo, chống chọi thiên tai, mùa màng thất bát, tai nạn rủi ro…
Có biết bao những người tuy cuộc sống của họ không hề giàu có nhưng họ vẫn tích cực tham gia vào hoạt động từ thiện mà trong số họ, có nhiều người chỉ là những chiếc lá không mấy lành lặn, như sự phát triển nghĩa của câu tục ngữ trên mà ta hay được nghe trong giao đoạn hiện nay là Lá rách ít đùm lá rách nhiều. Đó thực sự là cách sống đẹp đáng trân trọng và học tập.
Trái lại, trong xã hội cũng còn có những người chỉ biết dửng dưng trước những số phận kém may mắn, phải chịu thiệt thòi. Họ cho đấy không phải trách nhiệm của mình, trách nhiệm là của Đảng, của Nhà nước, của các cấp, họ sống xa lánh, khinh rẻ những người nghèo khó. Rồi là nạn tham ô tham nhũng, tìm mọi cách vơ vét của công, chiếm dụng tài sản cá nhân của người khác về làm của mình, sống trong nhung lụa mặc cho ngoài kia gió dập mưa vùi những cuộc đời khốn khó. Cách sống như vậy thật đáng lên án.
Mỗi người chúng ta cần thấy rõ bổn phận, trách nhiệm của mình, người may mắn phải yêu thương, đùm bọc những người bất hạnh hơn.
Từ một câu tục ngữ ngắn gọn mà chứa đựng bài học sâu sắc, cho ta thấy truyền thống tốt đẹp ngàn đời của ông cha ta, luôn coi người trong một nước là con một nhà, cùng chung một cội nguồn, cùng chung một dòng máu lạc hồng, luôn yêu thương, đùm bọc nhau, giúp nhau vượt qua những khó khăn hoạn nạn của cuộc sống.