I, Dàn ý tham khảo
A. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả: Trần Quốc Tuấn
+ Là vị tướng tài ba của nhà Trần
+ Là cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam.
- Giới thiệu về tác phẩm: Hịch tướng sĩ
+ Là kiệt tác của Trần Quốc Tuấn
+ Ra đời trước cuộc xâm lăng lần thứ hai của quân Mông - Nguyên (1285).
+ Thể hiện được lòng yêu nước nồng nàn của vị tướng nhà Trần.
B. Thân bài
1. Trước hết, tinh thần yêu nước của Trần Quốc Tuấn được thể hiện qua cách ông phân tích tình thế đất nước cùng thái độ ngông nghênh của sứ giặc, từ đó bày tỏ lòng căm thù và quyết tâm đánh giặc.
- Tác giả đã nêu lên một sự thật đau lòng: Ta cùng các ngươi sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan. Tình hình đất nước hiện nay hiểm nghèo biết mấy! Trần Quốc Tuấn đau lòng khi phải chứng kiến những điều chương tai gai mắt xảy ra hằng ngày. Sự trâng trào của kẻ thù được đặc tả qua những hình ảnh ẩn dụ: sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ. Cách gọi bọn sứ giả nhà Nguyên là có diều, dê chỏ... cho thấy nỗi căm giận và khinh bỉ cao độ của Trần Quốc Tuấn đối với chúng.
=> Phải yêu nước nồng nàn thì vị tướng tài ba nhà Trần mới có thể quên ăn, mất ngủ và lòng căm thù giặc mãnh liệt đến như vậy.
2. Tinh thần yêu nước, lòng căm thù của ông còn được bộc lộ qua cách chủ soái nghiêm khắc phê phán những sai lầm của một số tướng sĩ dưới quyền.
- Ông lấy quan hệ chủ tướng để khích lệ tinh thần trung quân ái quốc và lấy quan hệ cùng cảnh ngộ để khơi gợi tình cảm ân nghĩa thuỷ chung.
- Trần Quốc Tuấn đã đánh thức lương tâm, trách nhiệm và nghĩa vụ của tướng sĩ đối với đạo quân thần cũng như đối với tình cốt nhục.
3. Hơn hết lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn còn được thể hiện qua lời là chủ soái động viên tướng sĩ.
- Khi động viên họ, Trần Quốc Tuấn đã gắn quyền lợi đất nước với quyền lợi của tướng sĩ.
C. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề
II, Bài văn tham khảo
Trần Quốc Tuấn là vị tướng tài ba của nhà Trần, là cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. "Hịch tướng sĩ" là kiệt tác của ông. Bài ra đời trước cuộc xâm lăng lần thứ hai của quân Mông - Nguyên (1285), đã thể hiện được lòng yêu nước nồng nàn của vị tướng nhà Trần.
Trước hết, tinh thần yêu nước của Trần Quốc Tuấn được thể hiện qua cách ông phân tích tình thế đất nước cùng thái độ ngông nghênh của sứ giặc, từ đó bày tỏ lòng căm thù và quyết tâm đánh giặc. Tác giả đã nêu lên một sự thật đau lòng: Ta cùng các ngươi sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan. Tình hình đất nước hiện nay hiểm nghèo biết mấy! Trần Quốc Tuấn đau lòng khi phải chứng kiến những điều chương tai gai mắt xảy ra hằng ngày. Sự trâng trào của kẻ thù được đặc tả qua những hình ảnh ẩn dụ: sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ. Cách gọi bọn sứ giả nhà Nguyên là có diều, dê chỏ... cho thấy nỗi căm giận và khinh bỉ cao độ của Trần Quốc Tuấn đối với chúng. Bên cạnh đó, tác giả bóc trần bản chất tham lam và âm mưu thâm độc của đế quốc Nguyên - Mông. Quốc gia, dân tộc đang trong cơn nguy cấp. Bao nhiêu tâm huyết của Trần Quốc Tuấn dường như dồn cả vào ngọn bút: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan nuốt máu quận thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”. Mỗi chữ, mỗi lời như máu chảy từ trái tim tràn đầy nhiệt huyết của tác giả hiện lên trang giấy. Phải yêu nước nồng nàn thì vị tướng tài ba nhà Trần mới có thể quên ăn, mất ngủ và lòng căm thù giặc mãnh liệt đến như vậy.
Tinh thần yêu nước của ông còn được bộc lộ qua cách chủ soái nghiêm khắc phê phán những sai lầm của một số tướng sĩ dưới quyền. Ông lấy quan hệ chủ tướng để khích lệ tinh thần trung quân ái quốc và lấy quan hệ cùng cảnh ngộ để khơi gợi tình cảm ân nghĩa thuỷ chung. Trần Quốc Tuấn đã đánh thức lương tâm, trách nhiệm và nghĩa vụ của tướng sĩ đối với đạo quân thần cũng như đối với tình cốt nhục. Tuy có sự cách biệt về chức vị, về quan hệ chủ tớ nhưng ông và các tướng sĩ cùng nhau nhận lãnh trách nhiệm chung, cùng nhau gánh vác nhiệm vụ chiến đấu , cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười. Chủ soái giãi bày tâm can và tự kiểm điểm cách đối xử của mình đối với tướng sĩ như vậy là chỉ tình chỉ nghĩa, nhưng xót xa thay trong hàng ngũ tướng sĩ của ông lại có một số người nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Đáng trách biết chừng nào! Trần Quốc Tuấn vừa chân tình chỉ bảo, vừa phê phán nghiêm khắc thái độ thờ ơ trước vận mệnh của đất nước bởi đó chính là sự vong ân bội nghĩa trước ân tình sâu đậm của chủ tướng.
Hơn hết lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn còn được thể hiện qua lời là chủ soái động viên tướng sĩ. Khi động viên họ, Trần Quốc Tuấn đã gắn quyền lợi đất nước với quyền lợi của tướng sĩ. Con người ngoài quyền sống còn có những lợi ích thiết thân, như là ruộng đất, bổng lộc, gia quyến, vợ con, mồ mả tổ tiên, ông bà; tiếng xấu hay tiếng thơm để đời... Nói cách khác, là đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Ngoài miếng ăn còn có cả tình cảm, văn hoá, phong tục, có trước mắt, có mai sau, có trách nhiệm với hiện tại và lịch sử muôn đời Trần Quốc Tuấn nói đến mối tương quan mật thiết giữa lợi ích cá nhân với sự hưng vong của đất nước. Đây không phải là quyền lợi cá nhân ích kỉ mà là quyền lợi thiết thân nhất, thiêng liêng nhất, là nền tảng gần gũi và vô cùng vững chắc của lòng yêu nước bởi lòng yêu nước sâu xa, thắm thiết luôn bắt nguồn từ tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương...
Thật vậy, "Hịch tướng sĩ" đã thể hiện tinh thần yêu nước của Trần Quốc Tuấn. Qua đây, dân ta thầm cảm ơn vì những hi sinh to lớn của ông để cho ta được hưởng cuộc sống hòa bình, ấm no như ngày hôm nay.