Tình cảm gia đình, tình bạn bè – đó là điều không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Những tình cảm ấy vô cùng thiêng liêng, cao quý và rất đáng trân trọng. Chính vì vậy, tình cảm đó đã được nhân dân ta ca ngợi qua những câu ca dao thắm nghĩa, chí tình.
Đầu tiên, phải kể đến tình cảm nhớ ơn ông bà, tổ tiên:
“Con người có cố có ông,
Như cây có cội, như Sông có nguồn.”
Trên đời này, cây nào mà chả có cội, sông nào mà chẳng có nguồn. Có thể cội chỉ là hạt cây bé nhỏ, nguồn chỉ là những giọt nước đục ngầu phù sa hay cát bụi nhưng cũng đủ để mọi loài cây, con sông, dòng suối phải nhớ về. Con người chúng ta cũng vậy. Chúng ta có tổ tiên để nhớ, để biết ơn. Tại sao chúng ta lại phải nhớ ơn tổ tiên ư? Bởi một lí do cũng chỉ giản đơn thôi. Bạn thử nghĩ xem, nếu không có cha anh đi trước đã hi sinh tất cả để xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp thì liệu chúng ta có được như ngày nay không? Biết ơn tổ tiên như là một lẽ thường tình, một nguyên tắc sống. Ví như câu ca dao này:
“Ngó lên nuộc lạt mái nhà,
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.”
Câu ca nói lên tình cảm nhớ nhung da diết của con cháu với ông bà. Ngó lên nhìn thuộc lạt mái nhà lại nhớ về ông bà. Nuộc lại càng nhiều bao nhiêu thì nỗi nhớ ấy lại càng dâng trào mãnh liệt bấy nhiêu. Tôi tin rằng bạn đã thử đến số nuộc lạt và chẳng bao giờ đếm được, đúng không ? Bởi số nuộc lạt ấy nhiều vô kể, cũng giống như tấm lòng của con cháu đối với ông bà vậy. Ông bà chăm sóc cho ta, dạy ta những điều hay lẽ phải. Chính vì vậy, chúng ta luôn kính trọng ông bà bằng cả tấm lòng thành kính của mình.
Trong gia đình, ngoài tình cảm ông bà, tổ tiên còn có một tình cảm nữa cũng thật thiêng liêng, cao quý. Đó là tình cảm đối với cha mẹ, những người sinh thành ra mình:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Núi Thái Sơn kia cao ngất trời, nước trong nguồn kia không bao giờ cạn. Đó là hai hình ảnh được dùng để so sánh với ơn nghĩa của cha mẹ. Cha mẹ luôn bên ta, chăm sóc, dạy dỗ ta nên người. Đã bao giờ bạn nhìn thấy người mẹ bồng con đi rao bán các thứ hang, hình ảnh một người cha gò lưng đạp xe mấy cây số để đón con đi học về vừa mệt vừa sợ muộn chưa ? Tất cả đã nói lên một điều : ơn nghĩa của cha mẹ là vô cùng to lớn, không bao giờ có thể đong đến được. Chính vì Công cha nghĩa mẹ thật lớn lao và không gì đền đáp nổi nên bản thân mỗi người phải trở thành người con có hiếu, thờ kính, phụng dưỡng cha mẹ bằng sự biết ơn chân thành từ đáy lòng mình.
Bên cạnh tình cảm với cha mẹ là tình cảm anh chị em trong gia đình:
“Anh em nào phải người xa,
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.
Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hoà thuận, hai thân vui vầy.”
Anh em trong gia đình cùng chung mái nhà, chung huyết thống chung cha mẹ nên tình cảm anh em là gắn bó, như chân với tay không thể tách rời trên một cơ thể. Không những gắn bó, anh em phải có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau, đùm bọc nhau kể cả khi vui lẫn khi buôn, giàu có hay nghèo khổ hạnh phúc hay hoạn nạn:
“Anh em như chân với tay,
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.”
Trong khuôn khổ một gia đình có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em, những tình cảm đó đều được ca dao phản ánh. Đồng thời ca dao còn nêu lên một tình cảm rất quan trọng là tình cảm vợ chồng:
“Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.”
“Chồng em áo rách em thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặt người.”
Tình cảm vợ chồng thường gắn với hai chữ “thuỷ chung”. Dù có ở trong hoàn cảnh nghèo túng, phải mặc áo rách, phải ăn những thức ăn dở như râu tôm hay ruột bầu thì vợ chồng cũng không bao giờ bị chia cắt. Tình cảm vợ chồng luôn bền vững và thuỷ chung dù cho có gặp muôn ngàn khó khăn, hoạn nạn.
Ai cũng biết gia đình và tình cảm gia đình là rất quan trọng, sống trong cuộc sống, con người cũng rất cần có bạn bè, không thể thiếu tình cảm bạn bè. Ca dao có câu:
“Ra đi vừa gặp bạn hiền,
Cũng bằng ăn quả đào tiên trên trời.”
Đào tiên, đó là thứ quả thân, kì diệu. Nó đem đến cho ta sức mạnh, niềm tin, niềm vui sướng. Bạn bè cũng vậy. Bạn bè sát vai cùng ta trên con đường tới tương lai, giúp ta khi hoạn nạn. Và có lẽ có một điều mà bạn bè có thể đem lại cho ta trong khi đào tiên thì không thể. Đó chính là sự cảm thông, chia sẻ Mỗi khi ta vui sướng hay buồn tủi, ta luôn cần có bạn. Ta sẽ cùng bạn nhân lên niềm vui hoặc sẻ với nỗi buồn. Chính vì bạn bè quý mến như vậy cho nên khi xa cách, họ rất nhớ thương, muốn tìm gặp lại nhau :
“Rồi mùa toóc rã rơm khô,
Bạn về xứ bạn biết nơi mô mà tìm.”
Qua các câu ca dao trên, ta có thể thấy rằng ca dao chính là tiếng nói về tình cảm gia đình, tình bạn bè đằm thắm. Đó là những tình cảm quý giá sâu lắng mà có lẽ chỉ có những câu ca dao với âm điệu giàu chất nhạc mới diễn tả được. Những câu ca dao nhẹ nhàng mà ý nhị, tha thiết đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta hãy quý trọng những tình cảm ấy và quý trọng cả kho tàng ca dao – tiếng nói tình cảm của dân tộc.