Học cần động cơ thúc đẩy.
Ở đây, ta có thể phân biệt động cơ thúc đẩy nội tại và động cơ thúc đẩy đến từ bên ngoài.
Để biết, để thỏa mản khát vọng làm chủ kiến thức, để thành người có tri thức, để sống tốt hơn và để hạnh phúc là những động cơ nội tại .
Trẻ con lên ba hay hỏi “tại sao”, tại sao mặt trời mọc, tại sao trời mưa, tại sao con bị bệnh, … là để thỏa mản nhu cầu “biết cho mình”, biết để sống, hoàn toàn không ẩn ý lợi lộc trong đó.
Y như thế, trẻ chơi để khám phá, để thử sức, để sáng tạo, ... và trẻ hạnh phúc với các trò chơi của mình.
Nếu trẻ đến trường vì hứng thú, vì ngày nào cũng được tiếp cận những tri thức chúng cần, ... thì đó chúng đầy những động cơ nội tại.
Trái lại, khi bị ràng buộc, như học để thi đậu, để được xếp hạng cao, để làm vừa lòng cha mẹ, để kiếm tiền, để thăng quan tiến chức – dĩ nhiên trong các tình huống này cá nhân người đi học cũng … được hưởng lợi, nhưng đó chỉ là những “lợi” gián tiếp. Cái động cơ trước mắt là để được “thưởng” hay “không bị phạt bởi xã hội”. Những động cơ này được gọi là động cơ đến từ bên ngoài
Động cơ nội tại làm cho người đi học chú trọng tới nội dung, sẽ tìm kiếm để biết tận tường, sẽ nhớ lâu, sẽ tìm tòi đến ứng dụng và xa hơn nữa, phát triển trí sáng tạo chung quanh tri thức mới vừa tiếp cận… vì đó là chủ đích của mình, học cho cá nhân – cái đền bù nằm trong cá nhân như sự thỏa mãn, bằng lòng, niềm vui....
Trong khi động cơ bên ngoài làm cho người đi học tìm đủ mọi cách để đi đến cái đích là thi đậu, là được khen, là kiếm ra tiền... còn nội dung của tri thức chỉ là phương tiện. Ta có thể gọi một cách quá đáng rằng trong trường hợp đó, người đi học cốt “làm sao để đi qua ải”, đi qua xong thì không cần kiến thức nữa.