a) thắng địa: chỗ đất có phong cảnh và địa thế đẹp.
trọng yếu: hết sức quan trọng, có tính chất cơ bản, mấu chốt
b) Luận cứ:
- Về lịch sử: Vốn là kinh đô cũ của Cao Vương.
- Vị trí địa lí: ở trung tâm đất nước, mở ra bốn hướng nam, bắc, tây, đông; “được cái thế rồng cuộn hổ ngồi”, “lại tiện hướng nhìn sông dựa núi”.
- Về vị thế chính trị, văn hoá: Là đầu mối giao lưu, “Chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương”, là mảnh đất hưng thịnh “Muôn vật cũng rất mực phong phú tối tươi”.
→ Hội tụ đủ mọi mặt của đất nước, xứng đáng là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế. Thực tiễn lịch sử gần một nghìn năm qua đã cho thấy sự tiên đoán và khẳng định của vua Lí Thái Tổ về kinh đô Thăng Long là hoàn toàn đúng đắn.
c)Sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế là vinh dự, niềm tự hào không chỉ riêng với người dân Hà Nội mà còn đối với đồng bào cả nước. Để được UNESCO chọn là một trong năm thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận Giải thưởng UNESCO “Thành phố vì hòa bình” năm 1999, Hà Nội đã phải đáp ứng 4 tiêu chí đề ra là: Sự bình đẳng trong cộng đồng; xây dựng đô thị; giữ gìn môi trường sống; thúc đẩy phát triển văn hóa-giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Danh hiệu này chính là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về bản chất truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao vị trí, uy tín của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung ở khu vực và trên trường quốc tế; đồng thời góp phần cổ vũ, động viên nhân dân đóng góp vào việc xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh.Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Trong bối cảnh này, mỗi cá nhân, tổ chức cần phải nâng cao trách nhiệm, góp phần đưa Thủ đô phát triển bền vững, gìn giữ và phát huy danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” đã được trao tặng.Để tiếp tục duy trì và phát huy danh hiệu cao quý này,em cho rằng, việc đầu tiên thành phố cần phải làm là tuyên truyền cho người dân nhận thức sâu sắc về giá trị của danh hiệu, để từ đó có ý thức xây dựng Thủ đô, tiếp tục duy trì những tiêu chí đã đạt được. Để làm được điều này, cách tốt nhất là việc tuyên truyền bằng hành động. Mỗi người chúng ta phải có ý thức xây dựng Thủ đô và thể hiện ý thức đó bằng những việc làm cụ thể thì mới có thể lan tỏa những dấu hiệu tích cực. Cùng với những nỗ lực của người dân, việc tham gia xây dựng thành phố cũng cần có sự quản lý và quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, của các cơ quan, đoàn thể có chức năng thì mới có thể bảo đảm việc phát triển Thủ đô vừa đạt hiệu quả tích cực, vừa gìn giữ những giá trị của Thủ đô và bảo đảm những yêu cầu, tiêu chí nhất định của một "Thành phố vì hòa bình".