Đáp án đúng:
Giải chi tiết:PHẦN III: TẬP LÀM VĂN (5,0 điểm) Thí sinh chọn một trong 2 đề sau
Đề 2: Cảm nhận về tình đồng chí chỉ thiêng liên giữa những người lính cách mạng trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.
Giới thiệu chung:
- Chính Hữu là nhà thơ quân đội trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Phần lớn thơ ông hướng về đề tài người lính với lời thơ đặc sắc, cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ hàm súc, cô đọng giàu hình ảnh - Bài thơ “Đồng chí” là một trong những bài thơ viết về người lính hay của ông. Bài thơ đã diễn tả thật sâu sắc tình đồng chí gắn bó thiêng liêng của anh bộ đội thời kháng chiến.
- Bài thơ “ Đồng chí” được sáng tác vào đầu năm 1948, khi đó ông là chính trị viên đại đội , đã từng theo đơn vị tham gia kháng chiến với chiến dịch Việt Bắc. Cũng là người từng sống trong tình đồng chi, đồng đội keo sơn gắn bó, vượt qua những khó khăn, gian khổ trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
2. Phân tích, chứng minh:
- 7 câu thơ đầu nhà thơ lý giải cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng đội sâu sắc của những người lính cách mạng:
+ Họ có chung cảnh ngộ xuất thân: Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, những chiến sĩ dũng cảm, kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc không ai khác chính là những người nông dân mặc áo lính. Từ giã quê hương, họ ra đi tình nguyện đứng trong đội ngũ những người chiến đấu cho một lí tưởng chung cao đẹp, đó là độc lập tự do cho dân tộc. Mở đầu bài thơ là những tâm sự chân tình về con người và cuộc sống rất bình dị và cũng rất quen thuộc: " Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.
+ Họ đều là con em của những vùng quê nghèo khó, là những nông dân ở nơi “nước mặn đồng chua” hoặc ở chốn “đất cày lên sỏi đá”.Hình ảnh “quê hương anh” và “làng tôi” hiện lên với biết bao nỗi gian lao vất vả. Khi nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, họ sẵn sàng ra đi và nhanh chóng có mặt trong đoàn quân . => Hai câu thơ đầu theo cấu trúc sóng đôi, đối ứng: “Quê anh – làng tôi” đã diễn tả sự tương đồng về cảnh ngộ. Và chính sự tương đồng về cảnh ngộ ấy đã trở thành niềm đồng cảm giai cấp, là cơ sở cho tình đồng chí, đồng đội của người lính.
+ Cùng chung lí tưởng chiến đấu: Trước ngày nhập ngũ , họ là những con người xa lạ, dần dần họ hiểu nhau, thương nhau, tri kỉ với nhau bằng tình tương thân, tương ái, vốn đã có từ lâu giữa những người nghèo khổ. Hình ảnh sóng đôi: “ súng bên súng đầu sát bên đầu tượng trưng cho nhiệm vụ chiến đấu và lí tưởng. Điệp từ súng và đầu được nhắc lại hai lần nhấn mạnh tình cảm gắn bó trong chiến đấu.
+ Tình đồng chí nảy nở bền chặt trong sự chan hoà, chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui, đó là mối tình tri kỉ của những người bạn chí cốt mà tác giả biểu hiện bằng một hình ảnh thật cụ thể, giản dị mà hết sức gợi cảm: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”.Tri kỉ là những người bạn thân thiết, vất vả, nguy nan đã gắn kết họ với nhau, trở thành những người bạn tâm giao.
+ Hai từ đồng chí: Đồng chí là cùng chí hướng, cùng mục đích. Nhưng trong tình cảm ấy một khi có cái lõi bên trong là « tình tri kỉ » lại được thử thách, được tôi rèn trong gian khổ thì mới thực sự vững bền. Không còn anh, cũng chẳng còn tôi, họ đã trở thành một khối đoàn kết, thống nhất gắn bó. Như vậy, trong tình đồng chí có tình cảm giai cấp (xuất thân từ nông dân), có tình bạn bè tri kỉ và có sự gắn bó giữa con người cùng chung lí tưởng, chung mục đích chiến đấu. Và khi họ gọi nhau bằng tiếng “đồng chí” họ không chỉ còn là người nông dân nghèo đói lam lũ, mà họ đã trở thành anh em trong cả một cộng đồng với một lý tưởng cao cả vì đất nước quên thân để tạo nên sự hồi sinh cho quê hương, cho dân tộc.
- Biểu hiện của tình đồng chí, đồng đội cao đẹp
+ Trước hết, tình đồng chí là sự thấu hiểu, sẻ chia những tâm tư, nỗi lòng của nhau.Họ là những người lính gác tình riêng ra đi vì nghĩa lớn, để lại sau lưng mảnh trời quê hương với những băn khoăn, trăn trở. Từ những câu thơ nói về gia cảnh, về cảnh ngộ, ta bắt gặp một sự thay đổi lớn lao trong quan niệm của người chiến sĩ: “Ruộng nương” đã tạm gửi cho “bạn thân cày”, “gian nhà không” giờ để “mặc kệ gió lung lay”. Lên đường đi chiến đấu, người lính chấp nhận sự hi sinh, tạm gạt sang một bên những tính toán riêng tư. Hai chữ “mặc kệ” đã nói lên được cái kiên quyết dứt khoát mạnh mẽ của người ra đi khi lí tưởng đã rõ ràng, khi mục đích đã lựa chọn. Tâm tư, nỗi nhớ nhà “ giếng nước gốc đa nhớ người đi lính” đã được họ chia sẻ cùng với nhau.Tâm tư ấy, nỗi nhớ nhung ấy là đồng chí họ thấu hiểu, sẻ chia cùng nhau.Tình đồng chí được tiếp thêm sức mạnh bởi tình yêu quê hương, đất nước.
+ Tình đồng chí là sự cam cộng khổ, sự sẻ chia những gian lao, thiếu thốn trong cuộc đời. Họ trải qua những cơn sốt rét nơi rừng sâu trong hoàn cảnh thiếu thuốc men , lại thêm trang phục phong phanh giữa thời tiết ấy. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy tình đồng chí đồng đội càng thắm thiết biết bao, “ áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá”…Họ cười với nhau với nụ cười buốt giá đã ấm lên sáng lên tình đồng đội, đồng đội sâu sắc.Trong buốt giá, những bàn tay tìm đến nhau để truyền cho nhau hơi ấm, niềm tin, sức mạnh, đẩy lùi gian lao, vất vả. Sự cảm thông, thấu hiểu ấy đã tạo nên chiều sâu và sự bền vững của thứ tình cảm này.
+ 3 câu thơ cuối là bức tranh đẹp về tình đồng chí:
Nổi bật trên nền hiện thực khắc nghiệt ấy là những người lính đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới trong cái nơi mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Từ “chờ” cũng đã nói rõ cái tư thế, cái tinh thần chủ động đánh giặc của họ. Rõ ràng khi những người lính đứng cạnh bên nhau vững chãi, truyền cho nhau hơi ấm thì tình đồng chí đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm họ để họ có sức mạnh vượt qua cái cái gian khổ, ác liệt, giá rét ấy… Tầm vóc của những người lính bỗng trở nên lớn lao anh hùng.
Câu thơ cuối là một hình ảnh đẹp được nhận ra từ những đêm hành quân phục kích giặc của chính người lính. Đêm khuya, trăng trên vòm trời cao đã sà xuống thấp dần, ở vào một vị trí và tầm nhìn nào đó, vầng trăng như treo trên đầu mũi súng của người chiến sĩ đang phục kích chờ giặc.Rõ ràng, tình cảm đồng chí ấm áp, thiêng liêng đã mang đến cho người lính nét lãng mạn, cảm hứng thi sĩ trong hiện thực đầy khắc nghiệt qua hình ảnh “Đầu súng trăng treo”.Trong hoàn cảnh hết sức gian khổ khốc liệt: đêm đông giá lạnh, rừng hoang sương muối, cái chết cận kề, tâm hồn nhậy cảm của người chiến sĩ vẫn tìm thấy chất thơ bay bổng trong vẻ đẹp bất ngờ của trăng.
3..Đánh giá chung:
- Tình đồng chí trong bài thơ là tình cảm cao đẹp và thiêng liêng của những con người gắn bó keo sơn trong cuộc chiến đấu vĩ đại vì một lý tưởng chung. Đó là mối tình có cơ sở hết sức vững chắc: sự đồng cảm của những người chiến sĩ vốn xuất thân từ những người nông dân hiền lành chân thật gắn bó với ruộng đồng. Tình cảm ấy được hình thành trên cơ sở tình yêu Tổ Quốc, cùng chung lí tưởng và mục đích chiến đấu. Hoàn cảnh chiến đấu gian khổ và ác liệt lại tôi luyện thử thách làm cho mối tình đồng chí đồng đội của những người lính càng gắn bó, keo sơn. Mối tình thiêng liêng sâu nặng, bền chặt đó đã tạo nên nguồn sức mạnh to lớn để những người lính “áo rách vai”, “chân không giầy” vượt lên mọi gian nguy để đi tới và làm nên thắng trận để viết lên những bản anh hùng ca Việt Bắc, Biên giới, Hoà Bình, Tây Bắc…. tô thắm thêm trang sử chống Pháp hào hùng.
- Bài thơ “Đồng chí” vừa mang vẻ đẹp giản dị lại vừa mang ẻ đẹp cao cả thiêng liêng, thơ mộng. Cấu trúc song hành và đối xứng xuyên suốt bài thơ làm hiện lên hai gương mặt người chiến sĩ rất trẻ như đang thủ thỉ, tâm tình, làm nổi bật chủ đề tư tưởng: Tình đồng chí gắn bó keo sơn. Chân dung người lính vệ quốc trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp hiện lên thật đẹp đẽ qua những vần thơ mộc mạc, chân tình mà gợi nhiều suy tưởng. Với những đặc điểm đó, bài thơ xứng đáng là một trong những tác phẩm thi ca xuất sắc về đề tài người lính.
- Liên hệ so sánh với một số tác phẩm khác viết về đề tài này như: “ Những ngôi sao xa xôi” ( Lê Minh Khuê), “ Bài ca về tiểu đội xe không kính” ( Phạm Tiến Duật ), “ Nhớ” ( Hồng Nguyên)….