Trận Chi Lăng- Xương Giang (8-10- 3-11-1427) đã thể hiện rõ nét tư tưởng “làm một được hai” trong nghệ thuật đánh tiêu diệt của nghĩa quân Lam Sơn. Đây là trận quyết chiến chiến lược đã đưa cuộc kháng chiến chống Minh của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Trong trận này, chúng ta thấy rõ tư tưởng chiến lược đặc sắc của Lê Lợi, Nguyễn Trãi được quán triệt trong hàng ngũ các tướng Lam Sơn: tư tưởng “làm một được hai” nhằm tiêu diệt quân địch đến mức cao nhất, nhưng đồng thời giảm tổn thất về phía ta đến mức thấp nhất. Chỉ có thế, nghĩa quân Lam Sơn mới có thể “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” để theo năm tháng cuộc kháng chiến trường kỳ ngày càng phát triển. Có thể nói, tư tưởng này chính là nền tảng cho kế hoạch tác chiến của nghĩa quân Lam Sơn trong trận Chi Lăng- Xương Giang. Trước hết, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã cho nghĩa quân dàn một thế trận chạy dài theo trục đường từ các ải địa đầu trên vùng biên giới như cửa Pha Lũy (hay còn gọi là ải Nam Quan, cửa ải biên giới Việt- Trung, thuộc tỉnh Lạng Sơn) đến Chi Lăng, Cầu Trạm và Xương Giang. Thực tế, Nguyễn Trãi và Lê Lợi đã sử dụng tài tình không gian của Tổ quốc và thời gian trên đất nước để làm “ chảy máu” liên tục đạo quân giặc hùng mạnh, đánh cho chúng “mềm xương”, dẫn dắt chúng dần dần đi đến địa điểm mà ta chuẩn bị sẵn. Đây chính là lúc, theo như lời Lê Lợi nói: “Ta lấy thế nhàn rỗi mà đợi kẻ mệt nhọc, lẽ nào không thắng”. Về chiến dịch, Nguyễn Trãi, Lê Lợi chủ trương: đánh thắng từng bước trong chiến dịch, tiết kiệm lực lượng, đánh đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng, tất cả đều xuất phát từ tư tưởng chiến lược “làm một mà được hai” để dẫn đến kết quả tiêu diệt được toàn bộ quân địch mà vẫn bảo tồn được lực lượng chủ yếu của ta. Chính vì thế, sau trận quyết chiến chiến lược Xương Giang, đạo quân chủ lực của nghĩa quân Lam Sơn đã tỏ rõ không những có đủ sức để đánh chiếm nhanh chóng thành Đông Quan, mà còn đủ sức để tiêu diệt những đạo quân xâm lược mới của triều Minh khi chúng trở lại lần nữa. Như vậy, trận Xương Giang không chỉ đập tan ý chí kháng cự của quân giặc tại Đông Quan mà cả ý chí xâm lược của triều Minh.
Cho mình xin hay nhất với ạ ~
Chúc bạn học tốt!^^
@linhnbv205