Người xưa có câu “thi trung hữu hoạ” quả thật không sai, bằng chất liệu ngôn
ngữ tác giả Thế Lữ đã vẽ nên “bức tranh tứ bình” về “chúa sơn lâm” trong bài
thơ “Nhớ rừng” (1). Trong bức tranh thứ nhất, hai câu thơ đầu vẽ ra hình ảnh
chúa sơn lâm say mồi trong niềm vui giữa đêm trăng bên bờ suối, cụm từ “dưới
ánh trăng” đã giúp người đọc hình dung ra được đó là một đêm trăng vàng lãng
mạn có màu vàng của ánh trăng, màu xanh của nước suối, ẩn dụ về những tháng
ngày hổ sống trong tự do (2). Tác giả Thế Lữ lại xây dựng hình tượng tâm thế của
hổ - “say mồi” một cách đầy tận hưởng của con hổ cùng với biện pháp tu từ ẩn
dụ chuyển đổi cảm giác: “uống ánh trăng tan”, biến hổ trở nên giống với một thi nhân tài hoa, đầy nghệ thuật, thả hồn vào cảnh vật và ngụp lặn trong ánh trăng (3). Trong bức tranh thứ hai, hai câu tiếp theo gợi tả không gian rộng lớn, hùng vĩ của giang sơn “bốn phương ngàn”, chúa sơn lâm như là một nhà hiền triết “lặng ngắm” cảnh giang sơn nơi mình ngự trị, xúc động khi thấy cảnh vật đổi mới (4).
Trong bức tranh này, tác giả đã “chuyển
cảnh” và “sắc thái” với tâm trạng tiếc nuối vô cùng (nào đâu => đâu), động từ
“chuyển” nhấn mạnh vào sự chủ động của hổ làm rung chuyển trời đất, tâm thế
“lặng ngắm” của hổ đầy suy tư, thần sầu cùng với tính từ sở hữu “ta” nhấn mạnh
chủ quyền “giang sơn”, thể hiện sự hiền triết đầy thâm trầm, bí mật (5).
Tiếp đến, bức tranh thứ ba hiện lên trước mắt
người đọc với cảnh thiên nhiên lúc sớm bình
minh rực rỡ trong màu sắc của cây cối, ánh
nắng, còn có cả âm thanh của thiên nhiên
được gợi ra từ tiếng “chim ca”, vẽ ra một
không gian trong trẻo, tưng bừng rộn rã âm
hưởng náo nức, say sưa qua bức tranh rực rỡ
và vui tươi (6). Trong bức tranh này, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa,
nhấn mạnh vào sự tươi tắn của thiên nhiên, dường như mọi thứ được trang hoàng
sạch bóng, mượt mà và óng ả dưới ánh nắng ban mai, nghệ thuật tương phản
trong trạng thái của hổ với những sinh vật
khác: “giấc ngủ ta tưng bừng” (7).
Đáng lẽ ra, con hổ cũng phải đi săn như
những con thú khác nhưng nó lại chìm đắm
trong giấc ngủ, tạo ra sự chủ động chiếm
lĩnh không gian của “người cai trị vương
quốc”, không có thế lực nào có thể tác động
đến “chúa sơn lâm” (8). Trong bức tranh
họa tuyệt tác cuối cùng là cảnh sắc của một
buổi chiều dữ dội, trời chiều không phải đỏ rực mà “lênh láng máu sau rừng” (9).
Nhà thơ Thế Lữ đã “vẽ lên” một bức tranh chúa sơn lâm “tranh quyền đoạt thế”
với hoàng hôn, một bức tác phẩm mĩ nghệ và mang đặc trưng phong cách thơ
mới, trong câu "Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt", chữ "chết" lại được coi là
nhãn tự của thi phẩm và cũng là linh hồn của phong trào thơ mới, khẳng định "số
phận bi đát" của Mặt Trời và vẻ đẹp "chủ động" của hổ (10). Ba chữ "mảnh mặt
trời" là sự sáng tạo của thơ mới, chữ "mảnh" thường đi liền với những thứ "yếu
ớt" nhưng chưa bào giờ người ta gọi "mảnh Mặt Trời", chính chữ “mảnh” đã hạ
bệ Mặt Trời và thể hiện thái độ khinh bỉ của hổ với "vầng thái dương", khẳng
định vị trí độc tôn luôn là của chúa sơn lâm (11). Hai câu thơ cuối chính là tiếng than vãn đầy uất ức, bất lực, tạo nên sự tương
phản với bộ tứ bình ở tám câu trên với sự xót xa, đau đớn và chấm dứt quá khứ
vàng son của hổ (12). Đây đúng là một bức tranh tứ bình tuyệt tác, trong tranh
không chỉ có nét đẹp về ý nghĩa văn thơ mà còn có cả nét đẹp về hội họa với
những giọng thơ cuồng nhiệt, lưu luyến quá khứ và đầy mộng ảo (13)