Trong mấy năm gần đây, những vấn đề về văn hóa – giáo dục, vai trò của trí thức được Đảng và Nhà nước đặt ở vị trí cực kỳ quan trọng. Đảng ta nêu lại một câu nói rất nổi tiếng trước đây nhưng hầu như suốt mấy thế kỷ đã bị coi nhẹ, đó là câu nói của Thân Nhân Trung, trong bài văn bia khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442): “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, được dựng vào năm Hồng Đức thứ 15 (1484).
Năm 1484, trong thời kỳ cực thịnh của phong kiến Việt Nam, phải nói tới vua Lê Thánh Tông, người đã có công xây dựng một đất nước phát triển về mọi mặt: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, đặc biệt là việc giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước.
Nhìn lại thời gian gần 30 năm từ Lê Thái Tổ qua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông rồi đến Lê Thánh Tông, đất nước đã trải qua nhiều sự kiện rối ren, trong đó có vụ thảm án Lệ Chi viên và vụ cướp ngôi của Lê Nghi Dân.
Lê Thánh Tông sau 25 năm làm vua (1460-1484), ngày càng nhận ra vai trò của hiền tài qua các bước thăng trầm của lịch sử. Ông đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo, sử dụng và trọng đãi hiền tài. Đất nước không thể ổn định và phát triển nếu như không thu hút được những người có trí tuệ và tài năng góp sức vào sự nghiệp lớn của quốc gia.
Với tư tưởng nói trên, Lê Thánh Tông đã tổ chức việc học tập, hướng kẻ sĩ vào con đường chính thống của Nho giáo là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trong bốn điều Tu tề trị bình ấy thì tu thân phải là gốc trong mọi ý nghĩ và hành vi suốt cả cuộc đời. Tu thân là phải đạt được ba đức tính Nhân Trí Dũng. Trước hết, con người phải giữ được đạo nhân nghĩa, thể hiện được tấm lòng trung với vua, hiếu với cha mẹ. Muốn thực hiện được điều nhân nghĩa ấy thì phải học tập để hiểu được lý lẽ của cuộc sống, nhận thức được đúng, sai trước mọi vấn đề. Có Nhân và có Trí vẫn chưa đủ mà còn phải có hành động dũng cảm nữa, nghĩa là phải kiên cường bất khuất trong thực hiện nhiệm vụ. Đúng như Nguyễn Trãi đã từng nói: Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược / Có nhân có trí có anh hùng.
Với tinh thần ấy, Lê Thánh Tông giao cho Thân Nhân Trung, người cận thần mà ông quý trọng nhất, soạn một bài văn cho tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu, để nói về ý nghĩa của khoa thi Hội năm 1442. Từ khi nhà Lê dựng nước đến năm này, đây là khoa thi đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn, với nguyên tắc chặt chẽ, với sự tham gia chấm thi của nhiều bậc hiền tài như: Lê Văn Linh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Trần Thuấn Du, Nguyễn Tử Tấn. Khoa thi đã chọn được 33 người trúng cách, trong đó có Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Như Đổ đỗ Bảng nhãn, Lương Như Hộc đỗ Thám hoa. Còn lại là những Tiến sĩ xuất thân, Đồng Tiến sĩ xuất thân, trong đó có nhà sử học nổi tiếng Ngô Sĩ Liên.
Thân Nhân Trung mô tả quang cảnh ngày thi đỗ như sau: “Ngày 3 tháng 4, yết bảng xướng danh để tỏ rõ cho tất cả các kẻ sĩ thấy được sự vẻ vang, ban cho tước trật để biểu dương sự kiện khác thường, áo mão cân đai để trang điểm, thiết yến ở Quỳnh Lâm để tỏ ân huệ, ban cho ngựa tốt về quê để tỏ ý sủng ái. Sĩ thứ đất Trường An tụ tập đến xem đều ca ngợi”.
Theo Thân Nhân Trung trong văn bia năm 1442 và văn bia năm 1487 thì việc coi trọng khoa thi, quý trọng hiền tài được thực hiện từ Lê Thái Tổ. Tuy nhiên, đến đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) thì việc này được nhà vua đặc biệt quan tâm và tổ chức chu đáo nhất. Thân Nhân Trung nhận định rằng: “Phàm những điều triều trước đã làm thì noi theo mà giữ lấy. Việc mà những triều trước chưa làm đủ thì bổ sung và mở rộng thêm. Sau khi loa truyền yết bảng, lại cho dựng đá đề tên, cốt để lưu truyền mãi mãi. Phép hay ý đẹp đều làm đến nơi đến chốn”.
Lê Thánh Tông thấy cần thiết phải dựng thêm bia đá đề tên tiến sĩ. Ý tốt đẹp của nhà vua là ở chỗ ông nêu lên vai trò của hiền tài như một điều kiện quan trọng bậc nhất để giành lại sự hưng thịnh cho đất nước.
Vâng mệnh nhà vua, Thân Nhân Trung thảo bài văn bia năm 1442 và bài văn bia 1487, qua đó ông đã phân tích và nêu lên những điều kiện cơ bản trong chính sách hiền tài của Nhà nước. Ông viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí”. Thân Nhân Trung nêu lên công lao của các vua đầu nhà Lê như: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông…
Lê Thái Tổ ngay từ khi quét sạch quân xâm lược, xây dựng triều đại mới đã: “Ban bố thi hành văn đức, lo lắng, mong muốn thâu nạp người tài, trường học, đào tạo nhân tài. Bên trong có Quốc Tử giám, bên ngoài có các bậc phủ học. Ngài thân hành tuyển chọn con cháu các quan, các bậc tuấn tú, hào kiệt trong dân cho vào làm Học sinh cục Nhập thi, Cận thị, Ngự tiền, và làm giám sinh Quốc Tử giám. Lại sai quan chuyên trách mở rộng phạm vi tuyển chọn trong dân, lấy con em những nhà lương thiện, bổ sung vào làm sinh đồ các phủ, đặt thầy dạy bảo, soạn sách ban hành, nền tảng của việc bồi dưỡng, đào tạo nhân tài thật là rộng rãi vậy”.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, hiệu quả câu nói của Thân Nhân Trung không chỉ dừng lại trong phạm vi xã hội thời Lê. Nó mang một ý nghĩa phổ biến đối với mọi quốc gia qua mọi thời kỳ lịch sử.
Bản thân sự ra đời của quốc gia đã đánh dấu một bước trưởng thành của một dân tộc ở cả lao động chân tay và lao động trí óc. Nhân dân là người làm ra lịch sử, nhưng lịch sử tồn tại và phát triển không dừng lại ở đời sống vật chất. Sự tồn vong và thịnh suy của một quốc gia còn phụ thuộc vào đời sống tinh thần, nghĩa là phải kể đến vai trò của trí thức, của những hiền tài, của những nhân vật kiệt xuất. Những người này, xuất hiện từ trong sự nghiệp sản xuất và chiến đấu của nhân dân. Họ gắn bó với nhân dân và dẫn dắt nhân dân trên con đường phát triển của quốc gia.
Dân tộc ta sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai và địch họa. Dân tộc ta không thể tồn tại và phát triển nếu như không có tinh thần yêu nước và khí phách anh hùng của toàn thể nhân dân. Trên nền tảng vật chất và tinh thần ấy, trong lịch sử đã thường xuyên xuất hiện những tài năng lỗi lạc, đem thêm niềm tin và sức mạnh cho nhân dân và cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Họ chính là những hiền tài của đất nước. Họ là nguyên khí của quốc gia, thể hiện tinh hoa của phẩm chất và tâm hồn được chắt lọc và nâng cao từ trong nhân dân. Không có hiền tài thì không thể có những thành công rực rỡ của nhân dân. Không có nền tảng vật chất và tinh thần từ trong nhân dân cũng không thể có hiền tài. Từ trong mối quan hệ giữa nhân dân và hiền tài, nảy sinh sức mạnh trường tồn của dân tộc.
Nguyễn Trãi khái quát ý nghĩa trên trong Đại cáo bình Ngô:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Nhưng hào kiệt không bao giờ thiếu”
Nước Đại Việt không thể tồn tại và phát triển nếu nhân dân ta không trở thành nhân dân một nước có văn hiến. Nguyễn Trãi không dùng khái niệm văn hóa mà dùng khái niệm văn hiến bởi văn hiến mang một nội dung rộng hơn. Văn hiến chứa đựng hai nhân tố: nền tảng văn hóa của toàn thể nhân dân; sự xuất hiện những hiền tài của đất nước.
Với tinh thần trên, Nguyễn Trãi đã giúp Lê Lợi đạt được những thắng lợi huy hoàng bởi ông dựa vào sức mạnh của nền văn hiến Việt Nam kết hợp được sức mạnh của toàn thể nhân dân với sức mạnh của đông đảo hiền tài.
Thế nào là hiền tài? Hiền tài là người có cả tài năng và đức hạnh, đem hết tài năng và đức hạnh ấy phục vụ cho Tổ quốc. Người ấy vừa hiền lại vừa tài và nói như ngôn ngữ bây giờ, người ấy vừa có tài lại vừa có đức. Người ấy không những phải học rộng hiểu nhiều, có đủ tài giúp vua trị nước, đem lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân. Người ấy còn phải là người gương mẫu về đạo đức suốt đời chăm lo tu dưỡng phẩm hạnh cho bản thân. Theo Thân Nhân Trung, đó là người: “Lấy trung nghĩa mà rèn luyện cho danh thực hợp nhau, thực hành điều sở học, làm nên sự nghiệp vĩ đại sáng ngời, khiến cho mọi người đời sau kính trọng thanh danh, mến mộ khí tiết, may ra trên không phụ lòng nhân dưỡng dục của triều đình, dưới không phụ công phu học tập thường nhật” (Văn bia 1487).
Làm thế nào để có những bậc hiền tài như thế? Trước hết theo Thân Nhân Trung phải có một hoàn cảnh khách quan thuận lợi. Ông nói: “Nhân tài phồn thịnh vốn có quan hệ đến khí hóa của trời đất và cốt ở cái gốc giáo hóa của thánh nhân” (Văn bia 1487).
Có khí hóa của trời đất tức là nói hoàn cảnh thịnh trị của đất nước trong đó mọi sự, mọi vật đều phát triển tốt đẹp. Theo Thân Nhân Trung, đó là thời đại Lê Thánh Tông. Có sự giáo hóa của thánh nhân là nói về sự quan tâm đặc biệt của nhà vua đối với việc giáo dưỡng, tuyển chọn và đãi ngộ hiền tài.
Lê Thánh Tông tiếp tục sự nghiệp của Lê Thái Tổ và các vua tiền triều. Ông lấy việc xây dựng nhà học, bồi dưỡng nhân tài làm nhiệm vụ hàng đầu. Hơn thế nữa, Lê Thánh Tông còn mở rộng quy mô giáo dục ra toàn quốc. Đặc biệt, ông quý trọng hiền tài và sử dụng hiền tài trong xây dựng nền thịnh trị cho đất nước.
Có lẽ trước Lê Thánh Tông và sau Lê Thánh Tông, chưa có nhà vua nào đã thường xuyên theo sát việc giảng dạy và học tập như ông. Tại Quốc Tử giám, nhà vua chăm lo đến việc ăn ở của từng người. Qua các kỳ thi Hội đến thi Đình, nhà vua đích thân đọc các bài thi và tự mình gặp gỡ, xem xét từng người, sau đó tự mình chọn lấy những Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa và các Tiến sĩ. Thân Nhân Trung nói rằng: “Sự lựa chọn ấy là rất thận trọng”.
Để tuyên bố kết quả kỳ thi, nhà vua tổ chức một buổi lễ rất long trọng. Nhà vua ngự điện Kính Thiên, trăm quan mặc triều phục chúc mừng, treo bảng vàng ở ngoài cửa Đông Hoa, bàn dân thiên hạ chụm đầu ngắm xem đều bảo rằng: “Thánh triều văn minh, nhân tài nườm nượp thật là cuộc gặp gỡ chân chính thời thịnh vậy” (Văn bia 1487).
Ngoài việc đãi ngộ đầy đủ về vật chất và tinh thần theo như lệ cũ, nhà vua còn cho rằng việc lớn lao đẹp đẽ tuy lừng lẫy vang dội một thời nhưng lời khen tiếng thơm chưa đủ để truyền lại vạn đời. Nhà vua truyền lệnh dựng bia đá khắc tên những người thi đỗ và đặt ở cửa Quốc Tử giám. Mục đích của việc này là khiến cho mọi kẻ sĩ trong nước thấy mình được hâm mộ, như thế mà thêm phấn khởi, cố gắng rèn luyện danh tiết, cố gắng phục vụ hoàng gia.
Thân Nhân Trung phân tích kỹ hơn ý nghĩa việc khắc tên trên bia đá này. Trước hết kẻ sĩ chốn trường ốc, lều tranh, số phận nhỏ bé mà được triều đình đề cao như vậy thì cái chí của họ và lòng tự trọng khiến họ phải hết lòng báo đáp. Trong số những kẻ sĩ ấy cũng có kẻ vì hối lộ mà hư hỏng hoặc sa ngã vào cùng loại với bọn gian ác, là bởi vì lúc họ sống chưa được nhìn thấy tấm bia đá trinh bạch này thôi! Giả sử hồi đó họ kịp nhìn thấy thì ắt hẳn lòng thiện sẽ tràn đầy, ý ác được ngăn chặn, đâu dám làm chuyện càn bậy. Thế thì việc dựng tấm bia đá này, ích lợi biết chừng nào. Kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà cố gắng. Làm sáng tỏ những điều đã qua, mở rộng dạy bảo cho hậu thế: một là để dài mãi tư chất danh tiết cho kẻ sĩ; hai là củng cố sự bền vững của quốc gia.
Với hai bài văn bia ngắn gọn, Thân Nhân Trung đã để lại cho đời sau những ý kiến vô cùng sâu sắc về vai trò của người trí thức, về chính sách đối với hiền tài, nhắc nhở đời sau một chân lý lịch sử: “Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước” (Văn bia 1487).
Hai tấm bia nói trên vẫn tồn tại ở Văn Miếu trên 500 năm nay, thường xuyên nhắc nhở các triều đại về chính sách đối với kẻ sĩ và đã luôn luôn chứng minh lời nói bất hủ của ông về sự thịnh suy của đất nước gắn liền với sự thịnh suy của hiền tài.
Với tinh thần nói trên, Thân Nhân Trung và các bậc hiền tài đồng thời với ông đã đóng góp hết sức mình trong việc xây dựng một thời đại hưng thịnh của đất nước với vua thánh, tôi hiền.
Là nhà văn hóa lớn, ông đã là Tao Đàn Phó Đô Nguyên súy cùng với Lê Thánh Tông cổ vũ cho nền văn học nước nhà. Là một người giữ trọng trách trong triều đình, ông đã nêu lên một tấm gương tài cao đức trọng khiến cho kẻ sĩ đời đời mến mộ.
Ông qua đời được 300 năm thì vào năm Cảnh Hưng thứ 37, Bùi Huy Bích, Ngô Thì Nhậm, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn, Võ Huy Tấn, một lần có việc đi qua làng Yên Ninh, gặp trời mưa to phải ngủ lại, bèn hỏi thăm đến con cháu họ Thân thì tìm được một cụ già. Hỏi, cụ trả lời rằng, cụ có ông tổ xa đời là Thân Nhân Trung làm quan Tao Đàn Phó Nguyên súy. Hỏi đến phả hệ, hành trạng, cụ đều không biết đến. Các ông tỏ ý muốn đến thăm đền thờ và phần mộ Thân Nhân Trung để thắp nhang, nhưng đền thờ đã không còn, phần mộ cũng không biết ở chỗ nào nữa (theo Lâm Giang).
Chúng ta không khỏi cảm xúc đọc lại những lời thơ đầy lòng ưu ái đối với Thân Nhân Trung, bậc hiền tài xuất sắc của đất nước đã bị lãng quên, trong giai đoạn lịch sử mà cả quốc gia và nguyên khí của quốc gia đang có chiều suy thoái. Cảm xúc ấy theo đuổi tôi cho đến ngày hôm nay. Cuộc hội thảo này đã giải tỏa cho tôi điều ám ảnh đó. Tôi vui mừng được nghe những bản báo cáo về thành tựu của con cháu Thân Nhân Trung đã tiếp nối đóng góp công sức vào sự nghiệp của Tổ quốc và nhân dân, và đã tiếp nối những thành tựu vẻ vang từ đời này qua đời khác. Chúng ta càng tin tưởng rằng những người thầy đã đem hết công sức của mình để phục vụ cho việc đào tạo hiền tài thì con cháu của những người ấy không thể không chứng minh những lời răn dạy của tổ tiên trong suốt cuộc đời mình trên mọi lĩnh vực tình cảm, trí tuệ và tài năng.
Ngày nay dân tộc ta đang cùng cả nhân loại bước vào một thời kỳ đầy rẫy những sự kiện mới lạ chưa từng diễn ra trong lịch sử. Các quốc gia đang đi vào một sự hội nhập kinh tế rộng lớn trong xu hướng toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Sự kỳ diệu của trí tuệ con người đã cực kỳ nhanh chóng mở rộng sự phát triển của mọi ngành khoa học, đặc biệt là công nghệ thông tin, điện tử, sinh học… Một cuộc chạy đua gay gắt để sinh tồn và phát triển đang diễn ra trên toàn thế giới trong một thế bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, giữa phát triển và lạc hậu, đặc biệt là giữa các siêu cường nắm trong tay hầu hết của cải vật chất và tinh thần với một bên là những nước vô cùng thiếu thốn đang tụt hậu trong hoàn cảnh đói nghèo và thất học. Trong tình hình nói trên, Việt Nam đã chủ động hội nhập kinh tế và phát huy cao nhất trí tuệ, tài năng, nhanh chóng nắm được những thành tựu tinh thần của thời đại để có một tầm cao trong suy nghĩ và sáng tạo. Chính vì thế mà chưa lúc nào bằng lúc này, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiền tài trên đất nước ta lại được đặt ra một cách cấp thiết và cực kỳ quan trọng.
Trong cuộc hội thảo này, chúng ta đặt Thân Nhân Trung vào hoàn cảnh đất nước hôm nay càng thấy hết ý nghĩa to lớn và tính trường tồn của câu nói bất hủ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
Chúng ta hiểu vì sao Đảng và Nhà nước đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của văn hóa khoa học và đội ngũ trí thức trong sự nghiệp chung của đất nước hôm nay.
Chúng ta hiểu vì sao toàn thể nhân dân ta đang băn khoăn lo lắng và trong mỏi như thế nào đối với việc đổi mới nội dung và biện pháp giáo dục trên đất nước ngày này. Giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu. Văn hóa, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp chung của đất nước. Ngày nay kỷ niệm Thân Nhân Trung, nhân dân ta đưa ông trở về vị trí quang vinh của ông trong lịch sử văn hiến của dân tộc. Cuộc đời ông, sự nghiệp của ông và đặc biệt là tư tưởng của ông về vinh dự và vai trò của người trí thức sẽ mãi mãi là bài học quý giá và nguồn cổ vũ lớn cho chúng ta hôm nay.