Đi qua bao biến động của thời gian, những câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du vẫn giữ nguyên được giá trị của nó. Đặc biệt 8 câu thơ cuối trong trích đoạn "Kiều ở lầu ngưng bích" đã tái hiện tâm trạng đau buồn, sợ hãi, lo âu của Thúy Kiều trước những dự báo về cuộc đời:
"Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng, cánh buồm xa xa
... Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"
Nhịp thơ chậm rãi, ảo não như một khúc đàn. Điệp từ "buồn trông" trở đi trở lại đầu mỗi câu thơ khiến cả đoạn thơ là một nỗi buồn mênh mang nhiều tâm trạng, đang dâng lên tầng tầng lớp lớp trong lòng Kiều. Nỗi buồn ấy trào dâng, lan tỏa vào cả thiên nhiên và cảnh vật. Nhìn cánh buồm thấp thoáng, le loi nơi "cửa bể chiều hôm", Kiều cảm thấy cánh buồm ấy như chính thân phận mình, bơ vơ, cô lẻ giữa bến đời mênh mông. Nhìn cánh hoa trôi man mác lênh đênh giữa dòng, Kiều nghĩ đến thân phận mong manh, trôi dạt của mình giữa cuộc đời. Không biết cuộc đời mình sẽ trôi nổi về đâu, tương lai mình sẽ thế nào, hay lại bị tan tác vùi dập như cánh hoa kia. Hình ảnh "nội cỏ rầu rầu" héo úa với màu xanh tàn tạ nhạt nhòa trải rộng nơi trời mây tít tắp. Màu xanh héo úa của cỏ gợi cho Kiều nối chán chường vô vọng vì cuộc sống tẻ nhạt, cô quạnh này không biết bao giờ mới kết thúc. Tiếng sóng vỗ cùng những đợt "gió cuốn mặt duềnh" khiến Kiều vô cùng sợ hãi. Tiếng sóng ầm ầm khiến nàng dự báo về một cuộc đời bấp bênh nhiều tai ương, sóng gió đang bủa vây lấy mình.