Nam Cao là nhà văn chủ nghĩa hiện thực của văn học Việt Nam giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945. Tác phẩm kiệt tác để lại tên tuổi của ông là “Chí Phèo” phản ánh nỗi thống khổ, cơ cực của người nông dân trong xã hội cũ. Nhân vật cùng tên truyện để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả đặc biệt là diễn biến tâm trạng của Chí sau khi gặp thị Nở- quãng thời gian hồi sinh ngắn ngủi nhưng giàu giá trị nhân đạo mà nhà văn dành cho nhân vật của mình.
Chí Phèo bản chất vốn là một người hiền lành, chất phác nhưng vô tình bị xã hội đẩy đến mức đường cùng, đại diện cho cường quyền ấy là Bá Kiến vì ghen với Chí được bà Ba “quý mến” mà tìm mọi cách cho hắn đi ở tù. Bảy tám năm đi biệt khi quay trở về làng Vũ Đại Chí là một kẻ mất nhân hình lẫn nhân tính để cho thế lực hắc ám như cụ Bá hoàn thành nốt công đoạn biến thành con quỷ dữ mà mọi người đều ghê sợ và xa lánh, Chí trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến kể từ đó hắn chỉ chuyên hành nghề rạch mặt ăn vạ, cướp của giết người. Cuộc đời hắn chìm trong men say hết ngày này qua ngày khác chưa bao giờ hắn tỉnh để biết mình còn tồn tại có mặt ở trên đời.
Nam Cao không nhẫn tâm để nhân vật của mình sống mãi là kiếp thú vật nên đã cho thị Nở xuất hiện cùng bát cháo hành tình người và tình cảm chân thành đánh thức lương tri Chí sau những ngày bị vùi lấp. Đoạn văn miêu tả tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp thị Nở chứng tỏ tài năng khám phá và phân tích tâm lí nhân vật của Nam Cao.
Hôm ấy, sau trận nôn mửa lúc nửa đêm khi đã ngủ cùng thị Chí Phèo tỉnh dậy sau một cơn say rất dài “hắn thấy miệng đắng, lòng buồn mơ hồ”. Lần đầu tiên kể từ ngày trở về hắn nghĩ đến rượu mới cảm thấy rùng mình “hắn sợ rượu cũng như những người ốm sợ cơm”. Hắn cảm nhận được âm thanh của cuộc sống “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”… Những âm thanh ấy ngày nào cũng có nhưng đây là lần đầu tiên Chí tỉnh để nghe thấy và cảm nhận tiếng gọi tha thiết của sự sống.
Chí nhận thức được bản thân mình về quá khứ, hiện tại và tương lai. Tiếng bàn tán của người bán hàng gợi nhớ về quá khứ tươi đẹp của Chí từng ước mơ về một gia đình nho nhỏ “Chồng cuốc mướn, cày thuê vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Đó là ước mơ, là khao khát của anh canh điền hiền lành chất phác. Nhưng éo le thay điều đó không thành hiện thực để rồi giờ đây trong hiện tại “hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc”, “hắn đã tới cái dốc bên kia của đời”, cơ thể đã hư hỏng ít nhiều. Chí phèo cũng đã nghĩ về tương lai và “trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Sau những ngày sống như vô thức qua một trận ốm Chí đã tỉnh dậy và suy nghĩ về cuộc đời mình. Như vậy với khả năng nhận thức về ngoại cảnh và nhận thức về chính mình Chí đã tỉnh dậy và hồi sinh trở về với kiếp người.
Thị Nở xuất hiện với bát cháo hành và tình thương yêu dành cho Chí khiến hắn vô cùng ngạc nhiên, xúc động và trỗi dậy mong muốn được làm người lương thiện. Đây là đoạn văn mang nhiều giá trị nhân đạo nhất mà nhà văn dành cho nhân vật của mình. Trưa hôm ấy Chí được săn sóc bởi đôi bàn tay của thị. “Hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho.” Bởi xưa nay hắn toàn phải cướp giật hoặc dọa nạt chứ nào ai cho không hắn cái gì ấy vậy mà thị lại giàu tình thương, sự cảm thông chia sẻ và quan tâm để làm điều đó cho hắn. Hắn cảm động vô cùng. Giọt nước mắt hạnh phúc được trở lại làm người đã chảy ra, hắn đã thực sự cảm nhận được mùi vị của tình người. Thị chính là hiện thân của tình người với bát cháo hành là liều thuốc giải độc cho cơn sốt bất thường và chữa lành vết thương tâm hồn bị sứt mẻ, bị bóp méo bấy lâu của Chí. Hắn đối với thị hiền lành biết bao “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người?” Giờ đây hắn khao khát được làm người lương thiện: “Trời ơi hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được.” Nhà văn đã cho ta thấy khao khát hoàn lương một cách khẩn thiết và rõ rệt trong con người Chí, hắn đã đặt tất cả hy vọng và niềm tin vào thị Nở.Thị chính là cầu nối để Chí hòa nhập với mọi người và trở về với xã hội của những tấm lòng lương thiện. Chí muốn quay lại làm một người bình thường sống cuộc sống bình dị như trước đây chấm dứt những tháng ngày đen tối và tội lỗi.
Cũng như bao người khác khi nhận thức được giá trị của bản thân Chí khao khát có một hạnh phúc gia đình “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?” đây là một lời gợi ý cho một cuộc sống mới cũng là một lời tỏ tình rất bình dị với sự bẽn lẽn của một anh canh điền hiền lành chất phác. Trong con mắt của kẻ say tình những điều xấu xí nhất của người đàn bà xấu xí như thị đối với Chí lại trở nên đáng yêu và có duyên “Xấu mà e lệ thì cũng đáng yêu”. Nam Cao để cho con mắt của một kẻ lưu manh tha hóa biến thành con quỷ dữ nay trở lại làm người lại nhìn thấy vẻ đẹp tiềm ẩn trong thị bị xã hội vùi lấp không nhìn thấy. Người đàn bà ấy tuy vẻ bên ngoài “Xấu ma chê quỷ hờn” bởi dòng giống con nhà mả hủi lại có tấm lòng nhân hậu và tình thương ngập tràn dành cho Chí. Năm ngày bên nhau của đôi lứa ngắn ngủi trôi qua trong những phút giây hạnh phúc, Chí trong khoảng thời gian ấy được sống là chính mình. “Hắn không còn kinh rượu nhưng cố uống thật ít. Để cho khỏi tốn tiền, nhưng nhất là để tỉnh táo để yêu nhau.” Chí đã ý thức được rằng mình có gia đình và cần phải chăm lo cho điều ấy. Đáng tiếc thay thị lại là một người dở hơi đem câu chuyện tình về hỏi ý kiến của bà cô già gây ra bi kịch bị cự tuyệt làm người cho Chí bởi định kiến xã hội.
Như vậy tâm trạng nhân vật chí Phèo sau khi gặp thị Nở đã được nhà văn miêu tả chi tiết tỉ mỉ đi sâu vào ngóc ngách trong tâm hồn để khám phá ra những điều mới mẻ trong nhân vật. Nhưng giá trị nổi bật nhất của Nam Cao làm nên thành công của tác phẩm là ở chỗ: “Khi miêu tả người nông dân bị lưu manh hóa, Nam Cao không hề bôi nhọ người nông dân mà trái lại đã đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện và khẳng định nhân phẩm của họ, ngay trong khi họ đã bị xã hội cướp đi cả nhân hình, nhân tính”.
Nam Cao đã khéo lột tả nội tâm nhân vật Chí Phèo trong những ngày hồi sinh khi gặp thị Nở với cách sử dụng ngôn ngữ sinh động, giản dị nồng ấm hơi thở đời sống thường ngày của người nông dân để lại giá trị nhân đạo cao đẹp sống mãi với thời gian. Bản chất lương thiện và khát khao hạnh phúc là bản tính tự nhiên tốt đẹp của con người không bao giờ bị mất đi dù cho bị quỷ dữ tha mất linh hồn nhưng chỉ cần được thắp sáng bởi ngọn lửa tình người nó lại trỗi dậy đòi quyền sống mãnh liệt. Qua đó cũng cho ta bài học nhận thức rằng chỉ có tình thương mới cảm hóa được trái tim sắt đá, cô độc và mỗi chúng ta sống trong cộng đồng người hãy biết yêu thương, chia sẻ cảm thông cho nhau bởi “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”.
BẠN THAM KHẢO NHA THẤY ĐC THI CHO MIK XIN VOTE 5 SAO NHA
KO ĐC THI THUI