Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành quân đội. Ông làm thơ từ những năm 1947 và hầu như chỉ viết về đề tài người lính và chiến tranh. Một trong những bài thơ đặc sắc của ông đó là “Đồng chí”, được sáng tác vào năm 1948. Bài thơ ca ngợi tình đồng chí, đồng đội của người lính thời chống Pháp. Trong đó, biểu tượng đẹp của người lính được thể hiện qua ba câu thơ cuối:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Bài thơ có thể thơ tự do, được ra đời khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947. Đây là một trong những bài thơ đầu tiên hiện đại viết về người lính nông dân. Bài thơ mở đầu với những lời thơ giản dị, mộc mạc khi giới thiệu về quê hương nghèo khó của những người chiến sĩ. Cùng là những người nông dân với nhau, có cùng hoàn cảnh xuất thân, người thì quê hương nước mặn, đồng chua, người thì làng đất cày lên sỏi đá, nên họ dễ dàng thấu hiểu, cảm thông cho nhau. Sự dễ dàng ấy còn tăng lên gấp bội khi họ lại có cùng nhiệm vụ, lí tưởng chiến đấu với giặc để bảo vệ cuộc sống của gia đình, quê hương và đất nước. Chính vì những cái chung ấy, họ đồng cảm, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nỗi lòng và họ trở thành những người bạn tri kỉ của nhau. Họ đều là những người nông dân chân thật, chất phác, có một nỗi nhớ quê hương da diết. Họ nhớ những ruộng nương nhờ bạn thân cày, nhớ những gian nhà không bị gió lung lay, nhớ giếng nước mà họ sinh hoạt hàng ngày và nhớ cả gốc đa cổ thụ đã có tự bao giờ. Nhưng vì nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, những người lính ấy “mặc kệ” cùng với ý chí lên đường chống giặc. Họ có nhớ nơi quê nhà thân yêu đấy, nhưng họ phải kìm nén để thực hiện nhiệm vụ kia. Những người lính này thật dũng cảm, kiên cường, bất khuất nhưng không hề vô cảm và lạnh lùng. Họ cùng nhau vượt qua những khó khăn và thiếu thốn nơi chiến trường. Họ sống chung với thời tiết khắc nghiệt, sự thiếu thôn thuốc than, quân dụng, họ khoác lên người những chiếc áo chẳng lành, đi chân đất mặc dầu cái giá buốt đang lộng hành ngoài kia. Vì thế, họ càng gắn bọ với nhau, luôn kề vai sát cánh bên nhau để vượt qua những khó khăn, gian khổ với một tinh thần rất lạc quan, một nụ cười hiền lành, chân thật đến lạ.
Trong sự chia sẻ và cái nắm tay chân tình, để rồi khép lại bài thơ là một tình đồng đội, đồng chí đẹp đẽ trên chiến hào chật hẹp:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Ba câu thơ này là một bức tranh đẹp có ý nghĩa sâu sắc về tình đồng chí, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ.
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Trước hết, những người lính đứng cạnh nhau chờ giặc tới trong đêm rừng hoang vắng, lạnh lẽo, nguy hiểm, sẵn sàng đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, những kẻ thù hung bạo ngoài kia. “rừng hoang” là rừng chưa được khai thác, vây nên ở rất xa khu dân cư, rất vắng vẻ. “sương muối” là sương đông thành những hạt nhỏ trắng xóa như muối trên cây cỏ hay mặt đất. Ở miền Bắc nước ta, ngày mà có sương muối là ngày đông giá buốt, lạnh run cả người. Thế nhưng, những người lính ấy không hề sợ hãi. Họ chờ giặc tới với tư thế đầy chủ động, hiên ngang chiến đấu với giặc. Hình ảnh họ đứng cạnh bên nhau, người này là điểm tựa của người kia, người kia là điểm tựa của người này tạo nên một ý chí quyết tâm, sức mạnh to lớn để áp đảo những khó khăn chiến đấu với kẻ thù. Tình đồng chí được hiện lên thật thiêng liêng và cao cả giữa những con người cùng sứ mệnh bảo vệ tổ quốc. Chỉ có những lúc khó khăn, những thử thách gian lao, chúng ta mới hiểu được thế nào là đồng đội. Đồng đội là hớp nước uống chung, là nắm cơm bẻ nửa, là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa. Đồng đội còn là chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp. Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết. Họ chia những cái điều đẹp nhất cho người đồng đội, giành hết về mình những gì khó khăn, gian khổ. Họ xem nhau như một gia đình thực sự, họ vui mừng chia sẻ với anh em những mẩu tin nhà quý báu, họ chia nhau từng miếng ăn, cái mặc. Họ nhường nhau chỗ đứng trong chiến hào. Đến cả cuộc đời, cái chết mà họ cũng giành giật với nhau, nhường sự sống cho đồng đội của mình. Nỗi niềm đồng cảm, hiểu được nỗi lòng của nhau mà đưa họ đến, đưa họ trở thành những người đồng đội đáng tin cậy, chẳng khác nào những người anh em ruột thịt trong gia đình.
Câu thơ cuối cùng mới thật sự là sắc sảo, đã khép lại bài thơ một cách vừa nhẹ nhàng mà cũng vừa mạnh mẽ.
Đầu súng trăng treo.
Đầu súng trăng treo là hình ảnh rất thực và cũng rất lãng mạn, nó đã gợi lên nhiều liên tưởng sâu xa. “súng” là hiện tượng của chiến tranh cho hiện thực khốc liệt, “trăng” là biểu tượng cho hòa bình, mộng mơ và lãng mạn. “súng” và “trăng” tưởng chừng là hai hình ảnh đối lập hoàn toàn, khi đi với nhau sẽ tạo ra cảm giác khó chịu nhưng không, Chính Hữu đã chứng minh cho chúng ta thấy hai hình ảnh này kết hợp với nhau tạo thành một sự thống nhất hòa quyện về cuộc đời người lính, là cứng rắn - là diệu êm, là gần - là xa, là thực tại - là thơ mộng, là chiến đấu - là chất trữ tình và là chiến sĩ - là thi sĩ. Những người lính ấy vừa rất dũng cảm, kiên cường nhưng cũng mơ mộng và lãng mạn không kém. Họ chiến đấu để bảo vệ cái đẹp nơi quê nhà, đất nước nhưng họ cũng rất yêu quê hương, yêu vầng trăng thơ mộng trên bầu trời xanh thẳm. Trong họ, có sự hòa quyện giữa chất chiến sĩ và thi sĩ. Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” còn gợi lên suy nghĩ về vẻ đẹp tâm hồn của con người vượt lên trên hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Đây là một phát hiện, một sáng tạo mới lạ trong vẻ đẹp bình dị và cao cả trong tâm hồn người lính của Chính Hữu.
Với nhịp chậm, giọng thơ hơi cao, đoạn thơ đã khắc họa được tình đồng đội, đồng chí những người lính thời chống Pháp thật cao cả và thiêng liêng. Đây là một bức tượng đài của người lính vùng lên trong thời chống Pháp. Thể thơ tự do với những câu dài ngắn đan xen đã giúp cho nhà thơ diễn tả hiện thực và bộc lộ cảm xúc một cách linh hoạt. Với nhiều hình ảnh chọn lọc, từ ngữ gợi cảm mà lại gần gũi thân thuộc, với biện pháp sóng đôi, đối ngữ được sử dụng rất thành công, Chính Hữu đã viết nên một bài ca với những ngôn từ chọn lọc, bình dị mà có sức ngân vang.
Bài thơ “Đồng chí” vận dụng nhiều đặc sắc nghệ thuật trong việc xây dựng tình đồng đội, đồng chí keo sơn. Ngôn ngữ bình dị đã làm bài thơ về những người lính mộc mạc, gần gũi với người đọc hơn hẳn. Tình đồng đội, đồng chí giữa những người anh em tựa như ruột thịt thật đẹp đẽ, được thể hiện rất rõ ràng ở bức tranh tuyệt đẹp của ba câu thơ cuối.