Tú Xương là một nhà thơ gặp nhiều trắc trở trên con đường công danh sự nghiệp của mình. Ông đã nhiều lần rớt khoa thi và bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá. Cũng chính từ những trải nghiệm thi cử của mình, ông đã sáng tác bài thơ Vịnh khoa thi hương để nói về thực trạng thi cử lúc bấy giờ, nổi bật là hai câu thơ:
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.
Hình ảnh sĩ tử chẳng hề mang dáng dấp thư sinh. Biện pháp đảo ngữ lôi thôi sĩ tử vừa nhấn mạnh sự luộm thuộm, không gọn gàng, vừa gây ấn tượng khái quát về hình ảnh những sĩ tử khoa thi này. Họ không có tư thế người đi thi, càng không có tư thế người làm chủ trong kì thi. Hình ảnh sĩ tử trong thơ Tú Xương đã phản ánh sự sa sút về “nho phong sĩ khí”, do sự nhốn nháo, ô hợp của hoàn cảnh xã hội đem lại.
Hình ảnh quan trường xuất hiện với vẻ ra oai, nạt nộ. Cái oai của quan trường là cái oai cố tạo, cái oai “vờ”. Từ ậm oẹ biểu đạt âm thanh của tiếng nói to nhưng bị can trong cồ họng nên trầm và nghe không rõ, nói lên cái oai không thực chất của quan trường. Cùng với biện pháp đảo ngữ ậm oẹ giọng thét loa của quan trường, có thể thấy được sự huyên náo, lộn xộn của cảnh trường thi này. Quan phải thét vì sĩ tử chẳng ai nghe. Sĩ tử không ai nghe nên quan càng phải cố tỏ cái oai vờ nạt nộ.
Cảnh thi cử mất đi sự thiêng liêng, nghiêm túc vốn có mà trở nên lộn xộn, ầm ĩ như họp chợ phần nào đánh giá một xã hội thối nát, mục rữa. Tác giả gián tiếp phê phán thực trạng xã hội bấy giờ vô cùng thâm thúy và hài hước. Nhiều năm tháng qua đi nhưng bài thơ vẫn giữ nguyên vẹn giá trị tốt đẹp ban đầu của nó và gây ấn tượng sâu sắc với nhiều thế hệ bạn đọc.