@Ichigo
Ichigo gửi bạn ạ!
Bài làm:
Hồ Chủ Tịch - vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta, Người không chỉ là một nhà cách mạng vĩ đại mà còn là một nhà thơ, nhà văn, một người có tâm hồn của thi sĩ. Tâm hồn Bác chan chứa bao cảm xúc, rung động trước cảnh đẹp hữu tình nhưng cũng biết bao trách nhiệm, lòng trung thành đối với dân tộc.
Bài thơ Cảnh khuya được Bác viết trong thời kỳ đầu cuộc chiến tranh chống Pháp của nhân dân ta. Giữa cái lúc ngàn cân treo sợi tóc ấy, Người vẫn giữ tinh thần lạc quan, ung dung mà cảm nhận vẻ đẹp nơi núi rừng Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”
Đêm khuya núi rừng hoang sơ chìm trong tĩnh lặng chỉ nghe thấy tiếng suối chảy thanh trong như điệu nhạc êm, hát mãi không ngừng. Qua cảm nhận của Bác - một người yêu thiên nhiên, sống hòa mình vào thiên nhiên thì tiếng suối không đơn thuần là tiếng róc rách bên tai mà nghe như tiếng hát xa vọng lại. Đọc hai câu thơ khiến em nhớ lại bài thơ Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”
Lần dở theo dòng mạch cảm xúc của thi nhân, ta bắt gặp hình ảnh ánh trăng trong câu thơ kế tiếp. Bác nhìn lên bầu trời cao nơi có ánh trăng soi và những vì sao lấp lánh trong đêm. Ánh trăng bao phủ khắp nơi, ánh trăng xuyên qua kẽ lá, tán cây, ánh trăng như đang âu yếm và dang rộng vòng tay che chở và ôm chặt lấy thiên nhiên, hoa cỏ. Ánh trăng xuyên qua tán cây, ánh trăng rơi những giọt sương còn đọng trên lá và hoa. Tâm hồn của Bác thật quá đỗi nên thơ, một hình ảnh mà chúng ta nghĩ rằng nó vô cùng quen thuộc, nhưng dưới ngòi bút của thi sĩ, nó được nâng lên một tầm mới, là vẻ đẹp nghệ thuật. Cảnh khuya trong sáng, lung linh huyền ảo. Người xưa từng nói thi trung hữu hoạ, thi trung hữu nhạc quả thật không sai. Đối với Bác trăng đã trở nên tri âm tri kỷ nên làm sao có thể hờ hững trước cảnh đẹp đêm nay.
Khác với những trận chiến đấu sinh tử, nơi mà con người ta phải luôn đối mặt với sự sống và cái chết, không ngờ lại có một cảnh đẹp tuyệt mỹ đến vậy. Tâm hồn người nghệ sĩ bỗng hòa quyện với đêm trăng thanh tĩnh… Nếu vậy, có chăng Bác không ngủ vì lo ngắm cảnh đẹp? Câu trả lời là không, cuộc đời Bác không lúc nào là không nghĩ về nhân dân, về đất nước:
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Cảnh đẹp hiếm có như trong tranh vẽ - vẽ người chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. Nỗi lo gánh vác dân tộc, trách nhiệm đưa đất nước thoát khỏi ách thống trị của thực dân, giải phóng dân tộc, Bác đang gánh trên vai một trách nhiệm rất lớn, cả dân tộc đều đang trông đợi vào Người. Đó mới chính là lý do khiến người chưa ngủ. Qua đó mới thấy được lòng yêu nước, thương dân sâu sắc của Bác - một vị lãnh tụ cả đời vì nước vì dân.
Bài thơ đã cho chúng ta hiểu hơn về vẻ đẹp tâm hồn của Bác, vẻ đẹp của lòng yêu nước và tâm hồn nghệ sĩ. Đọc xong bài thơ, chúng ta càng biết ơn và kính yêu Bác Hồ - người đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạng nước nhà.