Qua bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương và những bài ca dao bắt đầu bằng hai chữ “Thân em”, em đã thêm hiểu sâu sắc về vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Trước hết đó là những người phụ nữ có vẻ đẹp hơn người và mang trong mình nhiều phẩm chất tốt đẹp. Có lẽ cũng chính bởi vậy mà họ được nhiều cánh mày râu nhòm ngó, dạm hỏi. Có lẽ cũng chính bởi vậy mà họ có số phận long đong, bất hạnh. Đó cũng chính là nét thứ hai khi nói về người phụ nữ xưa. Họ bị xã hội phong kiến chà đạp, áp bức bất công dã man. Vì họ sở hữu một nhan sắc xinh đẹp mà họ đã bị các thương nhân buôn bán người bán đi hết nơi này đến nơi khác. Vậy tại sao họ lại không được làm chủ số phận của mình. Đó là bởi sự bất công đầy rẫy những thối nát của xã hội phong kiến. Tuy vậy nhưng người phụ nữ phong kiến xưa vẫn luôn giữ lại trong mình những phẩm chất cao đẹp. Dù có bị đối xử như thế nào thì trong họ vẫn ngời sáng lên vẻ đẹp thanh tao, cốt cách đáng ngợi ca. Người phụ nữ trong xã hội ngày nay không bị áp bức bất công nữa. Họ được sống, được bảo vệ, được làm chủ chính mình. Tuy nhiên đâu đây vẫn còn di chứng của xã hội cũ, đó là tình trạng "trọng nam khinh nữ" hay đánh đập phụ nữ. Điều này cần có sự vào cuộc quyết liệt của các nhà chức trách có thẩm quyền. Thật vậy, người phụ nữ trong xã hội xưa có số phận long đong, chìm nổi như những cánh hoa bèo trôi ngoài biển khơi nhưng trong họ vẫn luôn luôn chứa đựng những vẻ đẹp khiến chúng ta đang ngưỡng mộ, ngợi ca.