Con người là động vật phát triển nhất trong thế giới tự nhiên. Những gì con người được đang có là những cái hay, cái đẹp, những cái đỉnh cao nhất. Ngôn ngữ cũng vậy, đó là một loại hình nghệ thuật đặc trưng, phân biệt loài người với động vật khác rõ ràng nhất. Ngôn ngữ được coi là thước đo lường tri thức, nhân cách của mỗi con người. Vì thế nhân dân ta có câu:
"lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau."
Trước tiên chúng ta phải hiểu, lời nói là gì? đó là cách con người chúng ta diễn đạt bằng ngôn ngữ để tạo thành một ý hoàn chỉnh dùng trong giao tiếp. Nó cũng được hiểu là thông điệp của tình thương và trí tuệ- theo "Chánh ngữ" và "Ái ngữ" mà đức Phật đã chỉ dạy. Trong lời nói, con người lồng vào đó những cảm xúc, thái độ khác nhau đối với mỗi đối tượng giao tiếp. Có thể chỉ một lời nói nhưng lại có hàm ý rất sâu sắc.
“Lời nói chẳng mất tiền mua” vì nó là ngôn ngữ cộng đồng, đó là tài sản chung của cả dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tiếng Việt là của quý lâu đời của nhân dân ta”. Ngay từ lúc vẫn còn nằm trong bụng mẹ đến lúc cất tiếng khóc đầu tiên chào đời, rồi trưởng thành khôn lớn, tiếng mẹ đẻ luôn luôn gắn liền với tâm hồn và cuộc sống của mỗi con người. Khi ta sử dụng những lời hay, ý đẹp, lại lựa lời, chọn những lời nói khéo léo, tế nhị thì người nghe vừa lòng, dễ dàng tiếp thu ý kiến của ta, ta thể hiện được mình là một con người văn minh lịch sự, làm cho người khác phải cảm phục và kính trọng. Nếu ai ai cũng lựa lời mà nói thì quan hệ giữa người với người trong xã hội sẽ trở nên thật tốt đẹp. Vì vậy, câu ca dao là một lời khuyên tốt, rất đúng đắn và có ý nghĩa hết sức tích cực. Thực hiện tốt lời khuyên này, ta sẽ luôn thành công trong cuộc đời, trong sự nghiệp. Tuy rằng lời nói chẳng mất tiền mua, nhưng thực ra là nó vô giá. Không có gì có thể rút lại được lời ta vừa nói, nên trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần, phải đắn đo lựa lời mình định nói.
Vậy "lựa lời" là gì? nghĩa là phải biết cân nhắc, chọn từ ngữ, tìm cách diễn đạt chính xác nhất, tế nhị nhất, phản ánh đúng tư tưởng tình cảm của mình lúc nói. Nói như thế nào “cho vừa lòng nhau”, nhân dân ta muốn lưu ý đến tính hiệu quả trong giao tiếp, phải văn minh, lịch sự, hợp tình hợp lí và đúng lễ nghĩa, đạo lí. Tuy nhiên, "lựa lời mà nói" không có nghĩa là xuê xoa, bỏ hết những lời phê phán, góp ý của mình khi thấy người khác sai trái. Ông cha ta đã dạy: Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Cho dù có làm mất lòng bạn bằng những lời góp ý thì đến một lúc nào đó, bạn sẽ hiểu và yêu quý ta bởi những lời góp ý đó chỉ để cho bạn tốt hơn. Trong quan hệ bạn bè, ruột thịt, cũng không vì lựa lời mà nói tỏ thái độ nhún nhường, sợ sệt, chín bỏ làm mười, dẫn đến nói những lời không đúng sự thật.
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam cũng có nhiều câu ca dạo tục ngữ tương tự như vậy. Ví dụ như:
"Một lời nói quan tiền thúng thóc
Một lời nói dùi đục cẳng tay."
Câu tục ngữ có ý trong giao tiếp, con người dùng những lời lẽ thô tục, thiếu thiện chí mà không biết rằng tác hại của nó sẽ rất lớn. Họ tự đánh mất di nếp sống văn minh, coi thường đạo đức xã hội. Lời nói đối với họ là một cái gì đó rất tầm thường, rẻ mạt. Có người lại bộp chộp, không suy nghĩ trước khi nói.
Câu ca dao quả là một lời khuyên bổ ích, giúp con người hoàn thiện và giúp xã hội văn minh hơn. Do vậy, mỗi chúng ta đều phải luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời khuyên này. Làm như vậy là ta đã tự học tập, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tự tôn trọng mình và tôn trọng người khác.
____Học Tốt____