Bằng trí tuệ anh minh và qua những trải nghiệm lịch sử, các triều vua trị vì đất nước đã sớm nhận ra vị trí trung tâm đầu não của quốc gia phải chính là nơi ngự trị của mắt Rồng. Vào buổi bình minh của đất nước, năm 544 sau công nguyên, Lý Bí xưng Đế dựng nước Vạn Xuân và đã đóng đô ở khu vực Thăng Long – Hà Nội ngày nay. Ông đã cho xây dựng chùa Khai Quốc (Chùa Mở nước, sau đổi tên thành chùa Trấn Quốc ở khu vực Hồ Tây- Hà Nội). Vào mùa xuân năm Canh Tuất (1010) khi vua Lý Công Uẩn viết chiếu dời đô ông đã khẳng định giá trị phong thủy (ngày nay gọi là môn Địa lý - Môi trường) có một không hai của vùng đất này và sau đó là người đầu tiên đặt tên Thăng Long cho kinh đô nước Việt.
Trên bản đồ Việt Nam vùng đất Thăng Long – Hà Nội nằm đúng vị trí mắt Rồng với miệng của nó mở ra nơi cửa sông Thái Bình, mũi Rồng là vùng Quảng Ninh- Hải Phòng và hàm dưới chính là vùng Thanh Hoá ngày nay. Với một góc nhìn như vậy thì cái tên Thăng Long – Rồng bay lên được đặt cho Thủ đô một nước có hình dáng đặc biệt của một con Rồng đang vươn ra biển Đông thật là phù hợp với ước nguyện xây dựng tương lai hưng thịnh và đi lên của các bậc tổ tiên và hài hòa trong mối quan hệ thiên – địa – nhân.
Lại nói thêm về chữ nhân hay yếu tố nhân hòa, trong cuộc sống thường ngày đó là lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng chống ngoại xâm và xây dựng đất nước an bình, giàu mạnh.Trong dân gian từ thuở xa xưa đã có niềm tin rằng tên hay đem lại điều tốt nên vua Lý Công Uẩn lấy tên Thăng Long để thể hiện khát vọng và ý chí vươn lên mạnh mẽ của dân tộc, chứa đựng ý niệm thiêng liêng về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên.
Chính vì vậy sau nhiều lần đổi tên như Đông Đô (1397-1407, 1428-1430), Đông Quan (1407- 1427), Đông Kinh (1430- 1789), Bắc Thành (1789- 1831) thì cái tên Thăng Long vẫn lắng đọng lại một cách thân thương và đầy tự hào trong sâu thẳm tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Còn Hà Nội đối với chúng ta cũng rất thân thuộc và trìu mến, nó có nghĩa là thành phố trong sông (chỉ con sông Hồng ngày nay), là chốn kinh kỳ trên bến dưới thuyền mà vua Minh Mạng năm 1831 khi thực hiện cải cách hành chính chia lại các tỉnh thuộc vùng Đàng Ngoài cũ đã đặt cho.
Theo đó, từ Quảng Bình trở ra được chia làm 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội, còn Thủ đô của Việt Nam lúc đó đã chuyển vào Phú Xuân – Huế. Rõ ràng là vào thời điểm năm 1831 việc đặt tên cho Hà Nội chỉ đơn thuần là đặt tên cho một tỉnh lẻ ở Đàng Ngoài, dựa trên vị trí của nó so với một dòng sông mà không mang cái khí thế long trọng và ý nghĩa thiêng liêng như khi vua Lý Công Uẩn dời đô [1]. Nhân đây tôi xin cung cấp cho các độc giả thêm một chi tiết lịch sử lý thú là bên Trung Quốc từ thời Đông Hán đã có địa danh Hà Nội. Nếu đọc lại Tam Quốc hẳn chúng ta sẽ thấy đoạn chiến lược gia Tuân Úc khuyên Tào Tháo như sau : “Xưa Cao Tổ giữ Quan Trung, Quang Vũ chiếm Hà Nội mà tạo ra cái thế rễ sâu, gốc vững mà chế ngự thiên hạ…”(Tinh hoa mưu trí trong Tam Quốc, tác giả Hoắc Vũ Giai, người dịch Nguyễn Bá Thính, các trang 61, 353, NXB Lao động, 1996).
Hiện nay được biết tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (dưới thời Tam Quốc vùng này thuộc nước Thục) có thị tứ Hà Nội. Nằm về phía đông của Ôsaka Nhật Bản, trên đường đi Kyôtô cũng có một khu vực mang tên Kawachi có nghĩa là Hà Nội (trong sông) với cách biểu đạt bằng chữ tượng hình theo Hán tự giống như Hà Nội của Việt Nam ta. Địa danh này ra đời từ thế kỷ 7 sau công nguyên, tức là lâu đời hơn Hà Nội của chúng ta tới 1200 năm. Sự trùng hợp này được giải thích là do Nhật Bản trước kia cũng chịu ảnh hưởng cách định danh của người Trung Hoa, định vị tọa độ theo hình thế núi sông (2). Suy rộng ra thì có thể còn có nhiều địa danh Hà Nội nữa ở những vùng sông nước trong khu vực Đông Á ngày nay.
Để khơi dậy lòng tự hào dân tộc mà một đất nước láng giềng ASEAN của chúng ta đã lấy tên Singapura (tiếng địa phương là con sư tử) để đặt cho quốc gia non trẻ của mình. Trên thực tế đất nước nhỏ bé này không có sư tử sinh sống như ở châu Phi nhưng những kỳ tích trong phát triển kinh tế- xã hội của nó đã đưa đảo quốc này lên hàng sư tử hay rồng trong số các quốc gia mới trỗi dậy ở Á Châu.
Có thể nói trên thế giới không có đất nước nào mà hình dáng, truyền thuyết về cội nguồn và địa danh lại có nhiều liên hệ tới Rồng như nước Việt Nam. Nào là thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, sông Cửu Long, Hoàng Long, núi Hàm Rồng, đảo Bạch Long Vĩ, sự tích con Rồng cháu Tiên v.v…Phải chăng đây cũng là khát vọng ngàn đời, là sứ mệnh thiêng liêng mà cha ông đã đặt lên vai con cháu – hãy kiên cường vượt qua phong ba bão táp để hóa Rồng ?
Hôm nay đây sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước Việt Nam đã đạt được những đổi thay thần kỳ. Thế và lực của chúng ta không ngừng được nâng cao, nhiều người đã bắt đầu nói đến Việt Nam như một con Rồng mới của Châu Á đang vươn ra đại dương hội nhập quốc tế. Tuy nhiên trong cuộc cạnh tranh quốc tế diễn ra rất khốc liệt hiện nay, muốn con Rồng Việt Nam có thể bơi xa, bay cao nhất thiết phải có được một cú hích, một sự đột phá quyết liệt trong nhận thức và hành động của toàn xã hội.
Nếu khiêm tốn mà nhìn nhận bản thân thì chúng ta tuy gần đây có đạt được sự tăng trưởng nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi sự tụt hậu so với các nước trong khu vực đang chạy đua tăng tốc, và bản thân sự tăng trưởng của chúng ta vẫn chưa bền vững. Những di sản nặng nề trong nếp nghĩ của quá khứ quan liêu bao cấp, sự thiếu hiểu biết về quản lý kinh tế - xã hội trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế cùng với gánh nặng mới của tệ tham nhũng đang níu kéo con Rồng muốn bay lên và thực chất là – dù vô tình hay hữu ý đang hà hơi tiếp sức cho những thế lực đen tối luôn âm mưu kéo tụt con Rồng Việt Nam xuống.
Gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài đã xuất hiện những giọng điệu hiếu chiến lỗi thời, hằn học gọi Việt Nam ta là một con “rắn nước có hình thù kỳ quái” và đe dọa sẽ dạy cho chúng ta một bài học nữa bằng cách đánh gãy đầu rắn ở đốt sống thứ 7 tức là vào vị trí Thanh Hoá. Đã đến lúc phải gióng lên một hồi trống để đánh thức lòng tự tôn dân tộc vốn sẵn có trong huyết quản mỗi người Việt Nam, đánh thức con Rồng Việt đã nhiều năm nay gối đầu trong dòng sông Hồng mang nặng phù sa để nó vươn mình bay cao trên biển cả như thời Lý, Trần mấy trăm năm lịch sử oanh liệt và rạng rỡ.
Hãy lấy lại cái khí thế hào sảng trong “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư…” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh để động viên triệu triệu con tim người Việt yêu nước trong công cuộc chấn hưng và bảo vệ Tổ quốc, quyết không để kẻ nào thấy Rồng Việt Nam vùi đầu trong sông bấy lâu nay mà dám cao giọng miệt thị chúng ta là rắn nước.
Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội chúng ta hãy khơi dậy lòng yêu nước và chí khí quật cường vùng vẫy một phương trời của con Rồng Việt Nam bằng việc chính thức lấy lại tên Thăng Long cho Thủ đô đất Việt. Hãy nhắc nhở cho con cháu trong các sách giáo khoa rằng giang sơn gấm vóc này từ thuở̉ lập nước đã có cái thế uy nghi của một con Rồng vươn ra biển Đông chứ không chỉ giản đơn là hình chữ S trong bảng chữ cái Latinh như sau này phương Tây vẫn quen gọi một cách vô thức.
Trong quá khứ, người Việt ta chưa có truyền thống chinh phục biển như nhiều dân tộc khác cho nên chiến lược biển của Đảng đã đề ra gần đây phải được đưa vào cuộc sống từ việc xây dựng “tâm thức” về biển cho mỗi công dân từ thuở niên thiếu rằng kinh tế biển là không gian sinh tồn bền vững của đất nước mang hình dáng con Rồng vươn ra đại dương. Đây sẽ là một cú hích cần thiết trong nội tâm mỗi chúng ta góp phần tạo nên một khí thế vươn lên trong toàn thể trẻ già, trai gái. Đối với thế giới, khi nhắc đến Việt Nam mọi người sẽ liên tưởng ngay tới một đất nước có thủ đô mang tên Rồng bay đầy hào khí đi lên và rất ấn tượng, mang một nét văn hóa đặc thù. Đặc điểm này sẽ có một ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.