Vào giữa thế kỉ XIX, trước khi bị thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, đạt được những tiến bộ nhất định về kinh tế, văn hóa. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chế độ phong kiến Việt Nam đang có những biểu hiện khủng hoảng, suy yếu nghiêm trọng.
Nông nghiệp sa sút. Nhiều cuộc khẩn hoang được tổ chức khá quy mô, nhưng cuối cùng đất đai khai khẩn được lại rơi vào tay địa chủ, cường hào. Hiện tượng dân lưu tán trở nên phổ biến. Đê điều không được chăm sóc.Nạn mất mùa, đói kém xảy ra liên miên.
Công thương nghiệp bị đình đốn; xu hướng độc quyền công thương của Nhà nước đã hạn chế sự phát triển của sản xuất và thương mại. Chính sách “bế quan tỏa cảng” của nhà Nguyễn khuyến khích cho nước ta bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Quân sự lạc hậu, chính sách đối ngoại có những sai lầm, nhất là việc “cấm đạo”, đuổi giáo sĩ phương Tây, đã gây ra những mâu thuẫn , làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc, gây bất lợi cho sự nghiệp kháng chiến sau này.
Nhiều cuộc khởi nghĩa chống triều đình đã nổ ra như: khởi nghĩa Phan Bá Vành ở Nam Định, Thái Bình (1821), của Lê Duy Lương ở Ninh Bình (1833), Lê Văn Khôi ở Gia Định (1833), của Nông Văn Vân ở Tuyên Quang, Cao Bằng (1833-1835)…