Bài thơ Tràng Giang là một trong những bài thơ xuất sắc của nhà thơ Huy Cận, nói về cảm giác bâng khuâng, nhỏ bé, lẻ loi của con người trước sự rộng lớn, hiu quạnh của thiên nhiên. Bài thơ có những cách diễn đạt vô cùng sáng tạo nhằm thể hiện được tâm trạng, tâm sự của nhà thơ. Đầu tiên, sự sáng tạo đến từ nhan đề của bài thơ. Từ "tràng" và từ "trường" cùng có ý nghĩa là dài nhưng tác giả đã đặt là "Tràng giang"(con sông dài) thay vì Trường Giang là chỉ một con sông cụ thể ở bên Trung Quốc. Nhan đề này gợi cho người đọc hình ảnh một con sông vừa dài vừa rộng nhờ thanh âm kéo dài của chữ "Tràng". Bên cạnh đó, điểm sáng tạo trong cách diễn đạt của nhà thơ nằm ở cách dùng từ và hình ảnh thơ vô cùng ấn tượng và độc đáo. Hình ảnh thơ sáng tạo đầu tiên là hình ảnh "Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót". Người đọc cảm tưởng được không gian dường như đang mở rộng ra thêm về cả 4 chiều: cao, dài, sâu, rộng; thiên nhiên toàn cảnh như đang chuyển động mở rộng ra thêm và có sự chia lìa giữa đất và trời. Những tia nắng chiếu xuống và bầu trời xanh dường như càng cao hơn, phản chiếu xuống lòng sông phẳng lặng và tạo được cảm giác "sâu chót vót" cho nhà thơ. Cách kết hợp giữa "sâu" và "chót vót" vô cùng độc lạ và gợi được sự liên tưởng đa chiều nằm trên cùng một trục không gian: xuống và lên, sâu và cao. "Sâu chót vót" vừa diễn tả được độ sâu thăm thẳm của dòng sông, lại vừa gợi ra được bầu trời cao chót vót. Hai chiều sâu và cao ấy đã tạo ra một không gian nhiều chiều, trải rộng và mở mãi ra về phía vô cùng, vô tận. Tiếp theo, sự độc đáo trong bài Tràng giang còn được thể hiện ở cách dùng từ láy "dợn dợn". Từ láy độc đáo này kết hợp với "vời con nước đã gợi ra một nỗi niềm bâng khuâng, khó tả của nhà thơ. Đứng trước thiên nhiên rộng lớn, tâm trạng của nhà thơ dường như bâng khuâng và cô đơn, nhớ quê hương đến nao lòng. Cuối cùng, một điểm độc đáo trong bài thơ Tràng giang nằm ở việc nhà thơ đã sử dụng sáng tạo thi liệu thơ Đường. Câu thơ cuối đã mượn ý thơ của Thôi Hiệu trong bài "Hoàng Hạc lâu": "Yên ba giang thượng sử nhân sầu" (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai). Tuy nhiên, điểm khác biệt ở hai tác giả là: Nỗi nhớ nhà của Thôi Hiệu được khơi gợi ra từ hình ảnh "khói sóng" còn nỗi nhớ của Huy Cận không cần tác động của ngoại giới (không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà) vì nỗi nhớ nhà và quê hương luôn thường trực. Tóm lại, bài thơ Tràng giang có rất nhiều những hình ảnh thơ và cách dùng từ độc đáo để gây được ấn tượng với người đọc và diễn đạt tâm sự của nhà thơ.