Đáp án đúng:
Giải chi tiết:1. Khái quát: (0,5 điểm)
- Nguyễn Trung Thành là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975. Ông là cây bút say mê trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Nguyên. Những trang viết thành công của ông cũng đều là những trang văn viết về Tây Nguyên.
- “Rừng xà nu” là một tác phẩm thành công của Nguyễn Trung Thành, được viết trong những năm tháng chiến tranh chống Mĩ ác liệt. Đây là một tác phẩm xuất sắc về đề tài miền núi, đồng thời cũng là tác phẩm tiêu biểu về đề tài chiến tranh cách mạng. Nổi bật trong tác phẩm là hình tượng nhâ vật Tnú.
- Về hình tượng Tnú trong truyện ngắn “Rừng xà nu”, có ý kiến cho rằng: “Đó là nhân vật được xây dựng bằng bút pháp lý tưởng hóa đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn”. Ý kiến khác thì khẳng định: “Nhân vật Tnú hiện lên trong tác phẩm hết sức chân thật, sinh động, đời thường.”
2. Phân tích: (3,0 điểm)
a. Ý kiến 1: “Đó là nhân vật được xây dựng bằng bút pháp lý tưởng hóa đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn” (2,0 điểm)
- Cuộc đời, số phận của Tnu' chịu nhiều mất mát, đau thương [mồ coi cha mẹ, mất vợ, con dưới súng đạn kẻ thù, chính anh cũng từng chịu sự tra tấn man rợ của chúng], tiêu biểu cho số phận chung của con người Tây Nguyên trong chiến tranh.
- Tnú có những tính cách nổi bật, vừa là đặc điểm riêng, vừa là tính cách tiêu biểu cho con người Tây Nguyên: Con người gan góc, trung thực, dũng cảm; tính kỉ luật cao, tuyệt đối trung thành với cách mạng; tình yêu thương và lòng căm thù hết sức sâu nặng.
- Tnú là nhân vật tiêu biểu cho lí tưởng và sức mạnh cộng đồng. Số phận, con đường đi của Tnú luôn được đặt trong mối tương quan với cộng đồng. Ở anh có khí thế dũng mãnh, ào ạt như thác lũ Tây Nguyên; có niềm tin vững chãi như núi rừng Tây Nguyên. Khát vọng tự do của Tnú cũng là khát vọng chung của dân làng Xô - man.
- Cuộc đời bi tráng của Tnú được gợi lại qua lời kể của cụ Mết. Cụ Mết kể trong một đêm mưa rì rào, gió thổi nhẹ bên bếp lửa xà nu bập bùng trong nhà ưng. Tất cả dân làng Xôman già trẻ gái trai đã nghe cụ Mết – một già làng có thân hình vạm vỡ, quắc thước, mắt sáng xếch ngược, râu dài ngang ngực kể về Tnú và cuộc nổi dậy của dân làng Xôman. Lối kể ấy tạo nên khoảng cách sử thi và khiến người đọc liên tưởng tới hình ảnh những tráng sĩ, dũng sĩ cổ trong sử thi cổ của Tây Nguyên.
b. Ý kiến 2: “Nhân vật Tnú hiện lên trong tác phẩm hết sức chân thật, sinh động, đời thường” (1,0 điểm)
- Trong tác phẩm, ta còn bắt gặp một Tnu' với những tình cảm hết sức đời thường: gắn bó với quê hương, gia đình, yêu thương vợ con hết mực.
- Tnu' - một chiến sĩ cách mạng rất kỉ cương, nề nếp.
- Miêu tả Tnú, tác giả chú ý tới ngôn ngữ mang màu sắc lời ăn tiếng nói của con người Tây Nguyên, ngôn ngữ đối thoại bộc trực, thẳng thắn và những hành động dứt khoát, quyết liệt, mạnh mẽ để làm nổi bật tính cách một chàng trai Tây Nguyên.
3. Đánh giá: (0,5 điểm)
- Viết về đề tài Tây Nguyên, đề tài chiến tranh chống Mĩ; Nguyễn Trung Thành đã sáng tạo và xây dựng được những nhân vật mang ý nghĩa điển hình. Những nhân vật đó thường có nguyên mẫu ngoài đời nhưng qua ngòi bút của nhà văn đã trở thành hình tượng mang ý nghĩa tiêu tiểu, khái quát cho cả dân làng Tây Nguyên. Tnú là một trong số những nhân vật đó, là thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Trung Thành.
- Tnu' là một tấm gương sáng với thế hệ trẻ ngày nay trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ quê hương, đất nước.