So với các nước trong khu vực, cơ khí Việt Nam phát triển tương đối sớm. Ngay từ cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi các nước trong khu vực Ðông - Nam Á, Ðông Á, chưa có ngành cơ khí chế tạo thì chúng ta đã tự sản xuất được động cơ đốt trong, máy gia công kim loại và nhiều sản phẩm cơ khí phức tạp khác. Với sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công nhân ngành cơ khí đã phát triển vượt bậc trong vòng 30 năm, đủ sức đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa toàn bộ nền kinh tế. 20 năm đổi mới ngành cơ khí đã cơ cấu lại một cách mạnh mẽ. Hàng loạt sản phẩm mới chưa bao giờ nước ta tự sản xuất trong thời kỳ trước năm 1990 như ô-tô, xe máy, thiết bị kết cấu kim loại siêu trường, siêu trọng, thiết bị tham gia vào các công trình công nghiệp lớn như xi-măng, đường mía, thủy điện, nhiệt điện, luyện kim, khai thác dầu khí, thiết bị toàn bộ cỡ vừa và nhỏ... đã lần lượt ra đời. Tuy vậy, quá trình này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30-35% nhu cầu của nền kinh tế quốc dân, cho nên trên tổng thể, ngành vẫn là ngành công nghiệp yếu kém so với nhiều ngành khác.
Ngành cơ khí trong nước cũng đã hình thành hệ thống các nhà máy cơ khí với các quy mô lớn, nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã có mô hình cụm ngành về cơ khí chế tạo như: Khu phức hợp cơ khí Chu Lai - Quảng Nam. Đặc biệt, đến nay đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực như: Tổng công ty TNHH MTV Cơ khí Quang Trung, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama, Tổng Công ty Máy động lực và nông nghiệp Việt Nam…
Một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh ở 3 phân ngành gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành cơ khí cả nước.
Dù chiếm tỷ lệ lớn trong ngành chế biến chế tạo, nhưng theo Bộ Công Thương, cơ khí trong nước mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, trong khi đó mục tiêu đề ra phải đáp ứng được từ 45 - 50% nhu cầu sản xuất trong nước từ năm 2010.
Cùng với đó, chất lượng sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp nội nói chung còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh. Trình độ cơ khí chế tạo , nhất là cơ khí chính xác (trụ cột của sản xuất công nghiệp) còn lạc hậu so với nhiều nước trên thế giới.
Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần có chính sách đặc thù. Cụ thể, Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung, sửa đổi và tổ chức lại Ban Chỉ đạo Chương trình cơ khí trọng điểm của Chính phủ đã được thành lập từ các nhiệm kỳ trước cũng như sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách để xây dựng và bảo vệ thị trường nội địa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đồng thời, Chính phủ bổ sung chính sách và biện pháp kiểm soát tối đa việc nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ sản xuất, phương tiện vận tải, hàng hóa đã qua sử dụng để bảo vệ sức mua cho thị trường nội địa...