Nhìn dáng tre, màu tre, sự sinh sôi nảy nở của tre, nhà văn phát hiện ra bao vẻ đẹp riêng của tre như “mộc mạc”, “nhũn nhặn”, “cứng cáp”, “dẻo dai”, “vững chắc”. Tre được nhân hóa trở thành một biểu tượng sáng giá: “Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người”. Phẩm chất của tre cũng là phẩm chất của con người Việt Nam xưa nay trên những chặng đường lịch sử vẻ vang.Thép Mới trích dẫn câu thơ của Tố Hữu: “Bóng tre trùm mát rượi”để từ đó nói lên vẻ đẹp của lũy tre làng quê, một vẻ đẹp êm đềm của xứ sở: “Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn”. Tre là vẻ đẹp của cảnh sắc làng quê, là vẻ đẹp của nền văn hóa lâu đời của dân tộc, là nếp sống lao động cần cù và cuộc sống yên vui êm đềm của nhân dân ta qua hàng nghìn năm lịch sử. Các từ ngữ, hình ảnh: “bóng tre”, “dưới bóng tre của ngàn xưa”, “dưới bóng tre xanh”,… “dưới bóng tre xanh”được điệp lại, láy lại đã tạo nên giọng văn nhẹ nhàng mênh mang biểu cảm:“Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp”. Màu xanh của tre cũng là màu tâm hồn, màu thời gian, màu sắc của nền văn hóa, màu tình nghĩa chung thủy