Khổ thơ cuối của bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu là sự kết tinh cao đẹp của người lính và tình đồng chí. Ba câu cuối là sự trở về với thực tại "đêm nay" sau khi chìm đắm tròng hoài niệm, kỉ niệm từ những ngày đầu gắn bó. Đó là khi đôi tri kỉ-đồng chí sát cánh cùng đồng đội phục kích chờ giặc nơi "rừng hoang sương muối" lạnh lẽo, khắc nghiệt. Trong ba câu thơ này, câu cuối là kết tinh cao độ nhất vẻ đẹp của người lính và sức mạnh của tình đồng chí. Dầm mình trong cái hoang lạnh của sương muối giữa rừng hoang với "áo rách vai, quần vá" là một thử thách phải gồng mình chịu đựng. Đáng sợ hơn, đây là khoảnh khắc chờ giặc đến. Đứng chờ giặc với một tâm thế vô cùng bình tĩnh như thế thì người lính dũng cảm hay nhút nhát? Câu thơ bốn chữ có ba thanh bằng, tạo nên một nhạc điệu nhẹ nhàng, thanh thoát. Nhạc điệu ấy gợi tâm thế bình thản của người lính khi bước vào trận đánh, khi đối mặt với tử thần. Hình ảnh "đầu súng trăng treo" ta có thể hiểu theo hai nghĩa. Trước tiên là nghĩa thực, người lính đứng chờ giặc dưới trăng và ở một góc nhìn nào đó trăng như đang treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Mặc khác, hai hình ảnh trăng và súng còn là những biểu tượng. Trăng là biểu tượng cho hòa bình, súng thì là biểu tượng cho chiến tranh. Tuy nhiên, người lính đã cầm súng lên để bảo vệ nền hòa bình. Mối quan hệ giữa hai hình ảnh này là mối quan hệ giữa hiện thực và lãng mạn, giữa chất chiến đấu và chất trữ tình. Rộng hơn đó cũng là biểu tượng về vẻ đẹp của con người Việt Nam trong kháng chiến. Quả thật, nhà thơ đã cho ta thấy rõ sự kết tinh cao đẹp của tình đồng chí đồng đội qua khổ thơ cuối của bài.
+Câu hỏi tu từ: Đứng chờ giặc với một tâm thế vô cùng bình tĩnh như thế thì người lính dũng cảm hay nhút nhát?