Khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu đã để lại vô vàn cảm xúc trong ta. Khổ thơ gắn liền với niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng của Đảng. Những câu thơ trong bài tràn ngập ánh sáng và niềm tin tưởng: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lí chói qua tim/Tâm hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim. "Từ ấy" chính là thời điểm đặc biệt và có ý nghĩa lớn lao với Tố Hữu. Đó là khi nhà thơ được giác ngộ lí tưởng của Đảng, được hòa mình trong lí tưởng cao cả. Nắng hạ là thứ nắng chói chang và mới đủ sức thể hiện sự lan tỏa đối với người thanh niên trưởng thành. Từ “bừng” diễn tả sự chuyển đổi mạnh mẽ, đột ngột, không lường tính trước trong nhà thơ. Đó là ánh sáng của vầng dương rực rỡ, của “mặt trời chân lí”- là ánh sáng của Đảng, ánh sáng của lí tưởng cách mạng với những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ, hợp quy luật, đúng lẽ thường, có tác dụng xua ta đêm u tối, xua tan giá lạnh sương mù. Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời” cho thấy lí tưởng cộng sản đã mở ra trong tâm hồn thi nhân một chân trời mới với niềm tin, với hi vọng. Sau khi đón nhận ánh sáng chân lí, tâm hồn Tố Hữu đã diễn ra cuộc tái sinh màu nhiệm với hình ảnh hoa, với âm thanh náo nức của tiếng chim ca rộn rã. “Hồn tôi” như “một vườn hoa lá, rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Thủ pháp so sánh ấy đã hữu hình hóa niềm vui sướng, háo hức trong lòng người. Và đối với người thanh niên đang mông lung đi kiếm tìm lẽ sống, ánh sáng của lí tưởng đã soi chiếu tâm hồn thi nhân. Các động từ mạnh “đậm”, “rộn” cùng hình ảnh tượng trưng , lãng mạn “vườn hoa lá” để diễn tả sức sống mãnh liệt, tột đỉnh của niềm vui và niềm hạnh phúc. Tố Hữu đã chọn lọc những hình ảnh thậtđẹp và giàu sức gợi để vẽ lên bức tranh của lí tưởng, của cuộc đời tươi đẹp mãi đậm sâu, mãi khắc ghi.