Em tham khảo câu trả lời dưới đây nhé:
* dàn ý:
1. MB:
- Giới thiệu bài ca dao
- Nêu nội dung khái quát
2. TB:
- Anh em vốn là những người có cùng một cha mẹ sinh ra, chung máu mủ ruột thịt
- Anh em cần phải yêu thương gắn bó, hòa thuận với nhau
- Anh em phải giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đùm bọc lẫn nhau
- Anh em ruột thịt gắn bó với nhau như tay chân trên cơ thể con người không bao giờ tách rời ra được
- Anh em có hòa thuận, yêu thương nhau thì cha mẹ mới vui vẻ, hạnh phúc
- sử dụng lối nói lục bát, biện pháp tu từ so sánh làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho bài ca dao
3. KB:
- Bài ca dao là lời khuyên nhủ của ông cha ta với con cháu phải biết yêu thương đùm bọc nhau.
* Bài làm:
Ca dao là tiếng nói tâm tình của nhân dân ta. Từ đời xưa, ông cha ta đã gửi gắm biết bao suy nghĩ, lời răn dạy con cháu trong ca dao dân ca. Bài ca dao trên là một trong những bài ca dao sâu sắc trong kho tàng thơ ca dân gian. Bài ca dao là lời khuyên nhủ của ông cha ta với con cháu: anh em trong nhà phải biết yêu thương, gắn bó, hòa thuận với nhau.
Tình anh em ruột thịt cũng như tình cảm giữa cha mẹ với con cái, giữa con cháu với ống bà, thiêng liêng và đặc biệt ở chỗ con người sinh ra đã mang trong mình thứ tình cảm ấy. Nó tự nhiên, dễ hiểu như chúng ta cần phải ăn, cần phải uống, cần phải hít thở khí trời và uống nước để sống. Nếu tình cảm lứa đôi là thứ tình cảm cần phải được xây dựng, được bắt đầu từ hai con người xa la và hoàn toàn có thể chấm dứt thì tình cảm anh em là thứ tình cảm sẵn có, vô điều kiện và ràng buộc con người bởi huyết thống. Những từ ngữ cùng, chung, một nhà đã nhấn mạnh sự thật hiển nhiên đã được công nhận đó mà còn mang sức nặng của một chân lí:
Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hoà thuận, hai thân vui vầy.
Tay và chân tuy là hai bộ phân khác nhau nhưng lại cùng tồn tại trên một cơ thể con người. Nếu mất đi một trong hai bộ phận ấy, cơ thể con người sẽ hoạt động rất khó khăn. So sánh tình cảm anh em ruột thịt gắn bó gần gũi như tay và chân, ai ca dao đã giúp chúng ta dễ cảm dễ hiểu, dễ hình dung hơn về thứ tình cảm thiêng liêng cao quý. Và qua sự so sánh ví von ấy, chúng ta thấy được sự tinh tế của ông cha ta xưa. Nếu như tình cảm và công ơn của cha mẹ thường được đặt ngay với núi non trời biển thì tình cảm anh em được cụ thể hóa bằng hình ảnh hết sức thân quen là chân và tay. Vì vậy, đã là anh em phải yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau và trước hết là phải hoà thuận. Hoà thuận vì mục đích đầu tiên là để cho cha mẹ được vui lòng. Chính sự hoà thuận là nền tảng để cho tình anh em thêm phắm thiết bền chặt, là nguồn động viên, nguồn hạnh phúc của cha mẹ, gia đình.
Có rất nhiều câu ca dao tục ngữ nói về tình cảm gia đình, nhất là tình anh em. Dễ hiểu, dễ thuộc, những lời khuyên răn giản dị đã đi vào lòng người tự nhiên và ngọt ngào như lời ru của mẹ. Những câu ca dao đã nuôi dưỡng tâm hồn của biêt bao thế hệ người Việt và mang tới cho chúng ta nhiều bài học quý báu trên buớc đường đời.