Đã lâu lắm rồi tôi không viết nhật kí. Nhớ bạn quá! Bởi sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội nên bây giờ Facebook, Instagram,… đã trở thành một cuốn nhật kí rồi. Những thứ ấy làm chúng ta chìm đắm, chúng ta ăn, ở cùng mạng xã hội và mê mẩn nó, bất kể ngày đêm. Rồi dịch COVID-19 ập đến, tuy rằng nguy hiểm nhưng nó đem đến một khoảng lặng để ta ngẫm lại tất thảy, nhận ra vô số bài học từ chính đại dịch. Và bây giờ là thời khắc không thể tuyệt vời hơn để giãi bày với bạn những gì đã và đang xảy ra trong ngày “nghỉ hè sớm” của tôi. À mà…. câu chuyện hôm nay tôi kể với nhật kí sẽ khác đi đôi chút : bạn không còn là người duy nhất đọc được suy nghĩ từ tận đáy lòng tôi, mà ít nhất, sẽ có thêm một người nữa để tôi sẻ chia, tâm sự, đó là cô giáo dạy Văn của tôi, khi cô trao cho lớp tôi cơ hội “Viết nhật kí kể và nêu cảm xúc của em về những ngày nghỉ học phòng chống dịch bệnh COVID-19”.
Đầu tiên, hãy xem điều gì đã xảy ra trong hơn một tháng vừa qua. Ngày 2 tháng 3, khi mới có vài ca nhiễm tại Việt Nam. Tối hôm đó, tôi đang vật lộn với bài kiểm tra của ngày mai thì bỗng nhiên, “Tin hỏa tốc” (gọi là lần 1 đi bởi vì còn nhiều lần khác lắm) đến đã khiến tôi phải trải qua kì “nghỉ Tết” dài nhất lịch sử. Dần dà, dịch đã được kiểm soát bởi cách quyết sách đúng đắn của nhà nước, vậy mà ngay sau đó là các công văn hỏa tốc lần 2, 3, 4,… làm tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc ở nhà. Bên ngoài kia, người người, nhà nhà chen lấn xô đẩy giành lấy từng chiếc khẩu trang, từng lọ rửa tay sát khuẩn. Quang cảnh thật hỗn loạn, giá bán các mặt hàng trên tăng một cách chóng mặt. Chính phủ cách ly tất cả những người có tiếp xúc gần với người bị bệnh gọi là các “F”, thể hiện ngay ở việc cách ly cả xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) bởi có bảy ca bệnh được phát hiện tại đây. Chúng ta vẫn đang hoàn toàn kiểm soát dịch rất tốt, dừng ở ca bệnh thứ mười sáu và đã có vài tỉnh công bố hết dịch. Rồi vài tuần sau, các địa phương quyết định cho học sinh khối PTTH và đại học đi học trở lại khiến chúng tôi có phần yên tâm và thỏa mãn. Nào ngờ, tối mùng 6 tháng 3, Hà Nội họp khẩn về thông tin có ca nhiễm Covid đầu tiên tại Hà Nội, cũng là ca thứ 17 tại Việt Nam. Dân tình được một phen hú vía. Câu chuyện mỗi ngày trở nên nghiêm trọng hơn khi có thông tin cho rằng cô này đã đi dự lễ khai trương của Uniqlo tại Hà Nội, người dân càng thêm hoảng loạn. Tuy nhiên, đây chỉ là tin giả, được bắt nguồn từ tài khoản cá nhân của một người phụ nữ ở Từ Liêm. Chính thông tin ấy đã tác động cực mạnh đến đại đa số người dân Hà Nội. Đêm hôm đó là một đêm mất ngủ. Mọi người đổ xô đi mua đồ ăn tích trữ. Và chính sự vội vàng ấy có thể trở thành nguồn cơn khiến dịch bệnh lây lan. Thật không thể tin nổi tin giả đã xâm nhập nhanh đến vậy. Một nghiên cứu cho rằng một người tiếp nhận một nguồn thông tin rất nhanh có thể khiến thông tin ấy đến với hàng trăm, hàng nghìn người trong một thời gian ngắn kỉ lục. Hậu quả vô cùng khủng khiếp khi bệnh nhân số mười bảy (chị N.) cũng bị cư dân mạng lầm tưởng, chửi bới là kẻ phát tán dịch bệnh. Dù vậy, chị N. đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi không khai báo y tế trung thực, khiến cho chuyến bay VN0054 trở thành chuyến bay định mệnh đem Covid-19 tới Việt Nam thêm một lần nữa (dẫu không cố ý) bởi hầu hết các ca nhiễm mới đều liên quan đến chuyến đến chuyến bay này. Mặt khác, điều này chứng minh người dân rất nôn nóng, dù biết là “tinh thần chống dịch như chống giặc” nhưng cần phải tỉnh táo thẩm định đâu là tin thật, đâu là tin giả. Vì sự việc trên mà bao nhiêu người bị đưa vào phòng cách ly. Mặc dù kết quả xét nghiệm đều là âm tính nhưng khi lên mạng lại thấy tràn lan thông tin như : nhà ở đâu, để xe ở hầm nào, … hay lộ danh sách cách ly có người quen biết, ngay lập tức, họ sẽ bị “bêu danh” và xa lánh. Ta không nên có thái độ kì thị với họ vì đoàn kết dân tộc mới có thể chiến thắng dịch bệnh.
Sau tất cả, chúng tôi vẫn thế, vẫn ở nhà, chờ đợi ngày đi học, chỉ khác là nay cầm chắc “vé nghỉ” một tháng nữa. Chán vô cùng! Chắc bạn sẽ tự hỏi rằng tôi sẽ sống thế nào trong một kì nghỉ chẳng khác gì kì nghỉ hè. Mọi thứ gần như dừng lại với chúng tôi. Từ việc học, cho đến mọi thứ. Không có học sinh, hàng quán cạnh trường tôi rơi vào cảnh đìu hiu cô quạnh. Tất cả các ngành nghề mất một nguồn lợi lớn từ dịch. Còn tôi, sáng dậy lúc 9 giờ hoặc 10 giờ, dậy đánh răng rửa mặt, vệ sinh, xem tivi, chơi điện thoại, ban đầu ở nhà rất thích nhưng về sau thì… Haizzz, thật là mệt mỏi! Đầu tiên là về vấn đề học trực tuyến. Học trực tuyến tuy tiện lợi vì có thể học mọi lúc mọi nơi tuy nhiên nó còn tồn tại rất nhiều điểm yếu. Ví dụ là thầy cô không thể kiểm soát được học sinh có thực sự đang học hay không (khi học sinh tắt camera) hay không có đủ bảng rộng có thể ghi nhiều thông tin và chuyển bài rất nhanh khiến nhiều học sinh không thể bắt kịp tiến độ bài mà cô giao dẫn đến tình trạng mất gốc. Có vẻ bạn đã nghe đủ về điều đó và chắc hẳn bạn quan tâm tôi đang cảm thấy thế nào đúng không. Thì…nói như thế nào nhỉ, đó là cảm giác đi liền với 1 từ “lạnh lẽo”.
Phải! Khi mà mỗi ngày luôn luôn phải lặp lại vòng luẩn quẩn không lối thoát, khi mà cuộc sống chẳng còn những thú vui và luôn bị vây kín bởi bốn bức tường, đặc biệt là khi ở với mẹ tôi - người phụ nữ cầu toàn quá mức. Đúng hôm Hà Nội phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, mẹ tôi quả quyết “Không đi đâu hết, ở nhà”. Câu nói này khiến lòng tôi như vỡ tan. Bởi đối với tôi, cuộc sống được tạo ra là để trải nghiệm, để va chạm, để học hỏi bao điều mới mẻ, chứ không phải chỉ ở nhà, giam mình với bốn bức tường hiu quạnh. Bố tôi từng nói: “Thời cô Vy bây giờ ở nhà không phải chết vì dịch bệnh mà chết vì trầm cảm, vì bốn bức tường”. Cá nhân tôi cho rằng quan điểm này đúng, bởi đã là người trẻ thì luôn muốn xông pha, tìm hiểu cuộc sống, vậy mà bây giờ… Đúng lúc này tôi lại nhớ đến các bạn tôi, nhớ những kỉ niệm tung hoành ngang dọc cùng chúng nó, nhớ những lần cùng học, cùng chơi, cùng vui, cùng cười, cùng nhau trên mọi chiến tuyến, nhớ một tập thể 8A6 gắn bó, đoàn kết. Tôi nhớ cái mùi đường phố, cái mùi của lớp học ồn ào, nhớ các cô - người đã giảng dạy từng phép tính, từng con chữ cho tôi. Nhớ đến mức không thể nào đo đếm nổi! Những kỉ niệm ùa về khiến tâm trí tôi buồn hơn. Việc không có người bạn đồng trang lứa khiến tôi khó lòng chia sẻ được, thì nay, tôi có bạn, nhật kí ạ! Bạn vô tri vô giác nhưng luôn sẵn sàng lắng nghe, luôn đồng hành gắn bó.
Kì nghỉ này đã tác động rất nhiều đến tôi. Đôi khi sống trong sự xô bồ, có thể ta sẽ lãng quên nó nó. Nhưng đến một thời điểm thích hợp, nó sẽ lan tràn khắp tâm trí ta, giống như một liều thuốc cảnh tỉnh. Tôi tin là như vậy! Mùa dịch Corona vì thế để lại trong tôi muôn vàn bài học đáng nhớ. Đầu tiên và quan trọng nhất là phải biết bảo vệ chính mình và cũng là bảo vệ cả cộng đồng. Chỉ cần rửa tay sát khuẩn, đeo khuẩn trang, hay súc họng sạch, hạn chế đến nơi đông người, khai báo y tế trung thực đã là khiến cho bản thân và cộng đồng không rơi vào tình trạng “vỡ trận”. Thứ hai, chúng ta phải tránh xa nguồn tin giả, phân biệt được đâu là tin giả đâu là tin thật, tìm đọc các nguồn tin chính thống. Chúng ta phải chấp hành đúng qui định của nhà nước, đừng như anh T., có lệnh cách ly nhưng vẫn chạy nhảy ngoài kia để rồi khi bị “bắt” về khu cách ly thì lại bảo “ngột ngạt khó chịu”, sau khi bị cư dân mạng “ném đá” thì mới vội vàng nói lời “xin lỗi”. Không dừng lại ở đó, chúng ta đừng có tâm lí kì thị, bài xích những người nghi nhiễm (hay còn gọi là các “F”), học cách tôn trọng và ứng xử văn minh với những mối quan hệ xung quanh mình. Còn nữa, chúng ta cần phải cải tiến hệ thống giáo dục online, bởi đây là thứ sẽ thay đổi cách thức giảng dạy thời cách mạng công nghiệp 4.0 hôm nay và mai sau. Và tự đáy lòng, xin cảm ơn những “thiên thần áo trắng”, những “dũng sĩ diệt Corona” đang ngày đêm chiến đấu vì sự bình yên của toàn dân tộc!
Trong cuộc sống, có nhiều cuộc chiến tìm ra được kẻ thắng người thua, nhưng có cuộc chiến không hồi kết, thiện và ác là một trong số đó. Thiện ác song hành, một đề tài được mổ xẻ trong vô vàn câu chuyện, sự kiện, và giờ đây là trong đại dịch này. Màn đêm buông là lúc ánh tà huy cuối ngày sẽ tắt. Hừng đông đến là lúc bóng tối không còn. Qui luật của tự nhiên là như vậy. Còn qui luật của cảm xúc trong tôi? Nhật kí à, tôi chỉ hi vọng bạn, tôi, chúng ta, tất cả mọi người được sống an nhiên, bởi lẽ đích đến của đời người luôn luôn là hạnh phúc.