Từ năm 1930, tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ suy thoái, khủng hoảng, đời sống nhân dân cực khổ, mâu thuẫn xã hội ngày một sâu sắc. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp (mâu thuẫn dân tộc) và mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến (mâu thuẫn giai cấp) là hai mâu thuẫn cơ bản nhất. Chính vì vậy, trong những năm cuối thập kỉ 20, các phong trào đấu tranh diễn ra mạnh mẽ, lôi cuốn đông đảo các giai cấp, tầng lớp xã hội tham gia.
Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1930, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh mở đầu bằng cuộc biểu tình của công nhân ở khu công nghiệp Bến Thuỷ và nông dân của 5 xã ven thành phố Vinh biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, chống khủng bố, đòi bồi thường thiệt hại cho các gia đình bị tàn sát trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy sợi Nam Định, ủng hộ Liên Xô.
Từ tháng 6 đến tháng 8, công nhân nhà máy diêm, nhà máy cưa, công nhân bốc vác Bến Thuỷ, công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi… liên tiếp bãi công hưởng ứng.
Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân hai tỉnh Nghệ Tĩnh tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ, từ các làng mạc kéo đến huyện lị, tỉnh lị: biểu tình ở Nam Đàn (6 – 8), Can Lộc (4 – 8), Thanh Chương (12 – 8), Nghi Lộc (29 – 8)
Tiêu biểu là cuộc biểu tình của khoảng 8000 nông dân huyện Hưng Nguyên vào ngày 12 – 9. Nông dân kéo đến huyện lị với khẩu hiệu “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc!”, “Đả đảo Nam triều!”, “Nhà máy về tay thợ thuyền!”… Đoàn biểu tình xếp thành hàng dài hơn 1 km tiến về thành phố Vinh. Đi đầu là những người cầm cờ đỏ, đi hai bên là những đội tự vệ được trang bị dao, gậy. Dòng người ngày càng được bổ sung thêm, khi đến gần Vinh, con số lên đến 30 nghìn người và xếp thành hàng dài tới 4 km.
Thực dân Pháp đàn áp dã man. Chúng cho máy bay ném bom và xả súng liên thanh vào đoàn biểu tình, làm chết 217 người, 125 người bị thương, 277 nóc nhà bị đốt cháy… Hai làng Lộc Châu và Lộc Hải bị triệt hạ hoàn toàn. Song, sự đàn áp dã man đã không thể ngăn nổi phong trào đấu tranh.