Đối tượng miêu tả và thuyết minh có phần giống nhau, ví dụ, một cảnh thiên nhiên, một con người, một con vật, đồ vật, cây cối. Tuy nhiên, vẫn các sự vật trên, đối với miêu tả thì bao giờ cũng là một sự vật cụ thể, xác định. Ví dụ, tả con chó của nhà em (chứ không phải loài chó nói chung), tả cây nhãn trong vườn nhà bà em (chứ không phải cây nhãn nói chung). Còn thuyết minh thì thông thường là một sự vật nói chung: thuyết minh về loài chó, thuyết minh về cây nhãn. Cũng có trường hợp thuyết minh về một sự vật cụ thể, khi đó phải là sự vật duy nhất và thường là nổi tiếng, ví dụ, thuyết minh về cố đô Huế, thuyết minh về cầu Tràng Tiền.
Mục đích chính của miêu tả là cho người đọc hình dung ra đối tượng và cảm nhận chúng được sâu sắc hơn; trong khi đó, mục đích chính của thuyết minh là giúp người đọc hiểu đối tượng. Miêu tả tác động chủ yếu vào tình cảm; thuyết minh tác động chủ yếu vào nhận thức. Sự khác nhau về mặt nguyên tắc này dẫn đến hai kiểu văn bản khác nhau về phương thức biểu đạt:
– Miêu tả “vẽ” nên một cách cảm tính những gì nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy,… kể cả cảm nhận một cách mơ hồ về đối tượng; thuyết minh phân tích, giải thích một cách logic, có lỳ về cấu tạo, vận hành, sự phát triển,… của đối tượng.
– Miêu tả chú ý dùng các từ ngữ mang tính hình tượng, gợi tả, ví dụ, các từ tượng hình, tượng thanh, các phép tu từ (nhân hoá, so sánh,…); thuyết minh chú ý dùng các thuật ngữ khoa học, các từ nghề nghiệp, tức là các từ ngữ không mang sắc thái biểu cảm.
Miêu tả dùng giọng biểu cảm theo chủ quan cá nhân; thuyết minh thể hiện tính khách quan, giữ giọng trung tính hoặc chỉ biểu cảm ở mức độ hạn chế.
Ví dụ, đối tượng là cái nón, đúng như em nói, vẫn đề cập đến hình dáng, chất liệu, cách làm,… nhưng mục đích, cách tiếp cận, cách biểu đạt khác nhau. Xem hai trích đoạn dưới đây (trích đoạn a là miêu tả, trích đoạn b là thuyết minh):
a) Phiên chợ hôm trước má mua cho tôi một cái nón. Tôi rất thích. Miệng nón rộng gần ba gang tay, tròn vành vạnh. Từ vành lên đến chóp, tôi đếm được mười lăm vòng tre, cách nhau rất đều. Càng lên đến chóp, vòng càng nhỏ đi. Lá nón được khâu vào các vòng tre bằng sợi móc. Hôm mua, má còn nhờ người bán nón quét cho một lượt dầu nên mặt nón trông rất bóng. Má buộc vào nón một chiếc quai lụa hồng. Hai bên quai tết hai chiếc nơ nhỏ. Tôi đội nón lên đầu, quai rất vừa cằm. (Tiếng Việt lớp 4, tập 2)
b) Lá làm nón có thể lá cọ hoặc một số loại lá rừng. Vành nón làm bằng tre to bằng chiếc đũa uốn thành một khung tròn tạo nên miệng nón và làm cho nó có độ cứng. Sau vành nón là các vòng nón, được vót nhỏ như chiếc nan hoa xe đạp, uốn thành từng vòng tròn nhỏ dần, cả thảy 15 vòng, tạo thành một khung hình chóp xinh xắn.
Tạo được khung thì đến giai đoạn chằm (khâu) nón. Thường thì chằm bằng sợi cước, sợi móc, nhỏ nhưng dai, màu trắng hoặc trong suốt. Nón khâu xong, người ta quết dầu cho bóng rồi phơi khô để dầu bám chặt vào nón, tạo độ bền khi đi nắng mưa. (Bài làm của học sinh)
Trên kia là ta đối lập ở phạm vi toàn thể, để phân biệt hai kiểu văn bản. Còn ở cấp độ yếu tố, tính chất mỗi kiểu văn bản vẫn xuyên thấm vào nhau, tức là trong văn bản thuyết minh có yếu tố miêu tả và trong văn bản miêu tả vẫn có yếu tố thuyết minh.