Khi 2 tên tay sai – nỗi nguy đã ập đến, vấn đề đặt ra với chị là sự sống còn của chồng. Sau những lần van xin không được, cuối cùng chị đã phản ứng lại bọn chúng bằng cả sức lực. Thế là “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, “nước” muốn ở yên mà bão tố cứ quật xuống.Người đàn bà giàu tình thương yêu chồng con và ngùn ngụt lòng căm giận đã vùng lên phản kháng. Nhân vật thay đổi tính cách, ngôn ngữ văn chương cũng thay đổi theo. Tới đây, tác giả chuyển từ văn kể sang văn miêu tả thật sống động. Chị Dậu túm cổ tên Cai lệ, ấn dúi ra cửa khiến hắn ngã chỏng quèo. Rồi chị túm tóc, lẳng hắn ngã nhào ra thềm. Rõ ràng trong cả hai hiệp, người đàn bà nhà quê đều chủ động, bình tĩnh, nhanh nhẹn, gan góc và dũng cảm. Chị đã chiến thắng giòn giã. Hành động của chị kết hợp với cách xưng hô... làm nổi bật sức mạnh của chị Dậu và hình ảnh bất lực thảm hại của 2 tên tay sai sau khi chị ra đòn. Ngọn nguồn của sức mạnh ấy xuất phát từ tình yêu thương chồng con và ý thức về nhân phẩm bị chà đạp.