Hữu Thỉnh là nhà thơ quân đội trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông ấm áp tình người và giàu sức gợi. Ông viết nhiều về con người, về cuộc sống nơi thôn quê yên ả và đặc biệt là về mùa thu. "Sang Thu" là bài thơ tiêu biểu cho phong cách và đề tài của ông. Bài thơ đã khắc họa thành công bức tranh về sự chuyển mùa kì diệu của đất trời lúc sang thu.
Bài thơ ra đời vào năm 1977-thời kì đất nước ta đã bước qua cuộc kháng chiến chống Mĩ đầy gian lao. Chính vì vậy, Hữu Thỉnh đã đặt vào trong bài thơ những triết lí cuộc sống sâu sắc về cuộc đời và con người
"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió sẽ
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về"
Trong biết bao hương vị thân quen, nhà thơ lại giật mình trước hương ổi đầu mùa ngọt ngào. Hương vị tượng trưng cho hương vị của làng quê Bắc Bộ thân thương, đánh thức những kỉ niệm thời thơ ấu. Từ “Bỗng” thể hiện sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước sự xuất hiện của mùa thu, nó đến nhẹ nhàng mà cũng đột ngột quá: hương ổi lan tỏa vào không gian, phả vào trong cơn gió heo may đem đến cho mọi người hương vị dịu ngọt và đằm thắm của mùa thu. Hình ảnh "Sương chùng chình" mang vẻ thong dong, thư thả và nhẹ nhàng, như còn vương vấn và lưu luyến mùa hạ. Đây là cảm xúc ngỡ ngàng xen lẫn hoảng hốt bởi nhà thơ chưa thực sự dám tin mùa thu đã đến với Bắc Bộ. Ta có thể thấy rõ cảm xúc đó thông qua từ "hình như'-sự phỏng đoán nửa tin, nửa ngờ đồng thời là sự ngỡ ngàng xen lẫn cảm xúc buâng khuâng, xao xuyến của nhà thơ.
Nếu như ở khổ một, mùa thu mới chỉ là sự thầm đoán với ít nhiều bỡ ngỡ thì ở khổ thơ thứ hai, tác giả đã có một sự khẳng định chắc chắn: Thu đã đến thật rồi!:
"Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu"
Cả đất trời, sông núi đều đang nhuốm màu thu. Bầu không khí lành lạnh khi thu về khiến những cánh chim trở nên vội vã hơn, vỗ cánh bay đi kiếm tìm cho mình những miền đất ấm áp hơn. Sông lúc này cũng không nóng bỏng hay ào ạt cuộn trào như những ngày hè chói chang mà trôi chậm hơn, tư lự hơn, dường như dòng sông cũng muốn thư thái đắm mình trong cảnh thu sang để tận hưởng, nét "dềnh dàng" của dòng sông sao trở nên duyên dáng lạ thường. Đám mây xanh mùa hạ cũng đang uyển chuyển vắt mình sang thu. Nàng mây lúc này đây đang mang trong mình vẻ đẹp của hai mùa thiên nhiên, vạt áo còn vương chút nắng hạ cuối mùa phá lẫn nét dịu dàng, trong ngần của ngày thu vừa tới. Thu sang, nắng vẫn tỏa dịu nhẹ, những cơn mưa bất chợt cũng vơi dần đi. Hàng cây xanh vẫn hiên ngang giữa đất trời, tỏa bóng mình xuống từng gốc phố. Tuy nhiên, đối lập với mọi thứ chầm chậm, dềnh dàng thì đàn chim lại "bắt đầu vội vã" chuẩn bị cho những chuyến bay chống rét như mọi năm. Bởi thu sang có nghĩa là mùa đông giá lạnh đang đến gần. Nhà thơ hẳn phải rất tinh tế bởi chỉ có tinh tế thì mới có thể nhận ra mùa thu chỉ vừa mới chớm qua.
"Vần còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”
Nắng hạ vẫn còn nồng, còn sáng song cũng đã nhạt dần và thu cũng đã bắt đầu hiện ra đậm đà hơn, rõ nét hơn. Ngày giao mùa hạ đã vơi dần đi những cơn mưa rào ào ạt, những tiếng sấm cũng không còn bất ngờ trên bầu trời mùa hạ. Sấm chỉ là những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời, những khó khăn trắc trở. “Hàng cây đứng tuổi” ẩn dụ chỉ những con người đã từng trải, đã “sang thu”. Con người khi đã từng trải thì vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. Con người lúc “sang thu” không còn bồng bột, sôi nổi, ồn ào như thời thanh xuân nhưng sâu sắc, chín chắn, đúng mực hơn. Tâm hồn con người cũng thật trái ngược, đối lập – lưu luyến nhưng khẩn trương; bồi hồi nhưng trang nghiêm; chững chạc, sâu lắng nhưng mộng mơ; khiêm nhường nhưng có phần tự kiêu – như cảnh đất trời khi sang thu. Sự “sang thu” của con người hoà nhập với sự sang thu của tạo vật. Bài thơ cũng gợi về sự sang thu của đất nước: sự thay đổi những năm tháng bom đạn bằng một nhịp sống mới, một giai đoạn mới. Sang thu bỗng trở nên lung linh, đa nghĩa, giàu sức gợi.
Chính nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đã tâm sự: với những hình ảnh giàu sức sợi này, ông muốn gửi gắm những suy nghĩ của mình vào trong bài thơ: "Khi con người đã từng trải thì càng vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời".
Dù chỉ vẻn vẹn mười hai câu thơ nhưng Sang Thu của Hữu Thình không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về mùa thu mà còn làm sâu sắc hơn tình cảm trong trái tim mọi người. Hữu Thỉnh quả là nhà thơ của thế kỉ khi đã thành công khéo léo đưa vào trong thơ triết lí cuộc sống sâu sắc về cuộc đời, về con người. Từ thơ tạo vật, Sang thu đã lẳng lặng thành thơ cuộc đời!