"Cách nhìn nhận về Gia Long Nguyễn Ánh ngày nay có phần đòi hỏi quá đáng: mọi tội lỗi từ sự lạc hậu của Việt Nam cho tới sự can thiệp của người Pháp đều đổ lên đầu ông.
Thực tế sự khó tính đối với nhân vật lịch sử này không chỉ xuất phát từ nhu cầu chống phong kiến ( mà nhà Nguyễn là đối tượng trực tiếp), mà còn từ sự so sánh trực tiếp với kẻ thù không đội trời chung của ông: Quang Trung Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ văn võ toàn tài chiến công hiển hách, cùng với việc ông mất sớm khiến người đời sau vì tiếc nuối mà càng tôn vinh ông hơn. Đứng cạnh một nhân vật như vậy, Nguyễn Ánh dĩ nhiên bị thiệt thòi.
Nhưng Nguyễn Ánh có khí chất riêng của mình: Khi nhà Nguyễn bị Tây Sơn đánh tan tác, Nguyễn Ánh lúc đó mới 16 tuổi đã bắt đầu quá trình lưu lạc phục thù kéo dài 25 năm. 4 lần ông kéo quân về Gia Định, 3 lần thất bại bị Tây Sơn rượt đuổi chạy khắp Hà Tiên, Phú Quốc sang Xiêm La, đến lần thứ tư mới thành công, Nguyễn Ánh là một nhân vật kiên trì hiếm thấy.
Nguyễn Ánh cũng là người có tài trong lĩnh vực ngoại giao. Nước Xiêm La từ kẻ thù trở thành đồng minh, nước Pháp đang chìm trong cơn bão cách mạng và cuộc chiến của Napoleon cũng gửi lực lượng tới trợ giúp. Nhà Thanh trợ giúp Lê Chiêu Thống, nhưng khi Nguyễn Ánh lên ngôi thì cũng phải công nhận nhà Nguyễn. Trong khi nhà Tây Sơn phải lần lượt đánh nhau với tất cả những nước này, thì họ lại là đồng minh của nhà Nguyễn. Đây cũng là một cái tài của Nguyễn Ánh vậy.
Gia Long Nguyễn Ánh còn là người thực sự thống nhất được đất nước. Quân Tây Sơn dù thắng trận từ Bắc chí Nam nhưng không giữ được sự đoàn kết, ba anh em mỗi người xưng vương một miền, làm hậu họa chia rẽ về sau. Nguyễn Ánh thì khác, khi lên ngôi thì tận diệt kẻ thù, giết hại công thần trừ hậu họa, phương pháp tuy cũ nhưng vẫn hiệu quả. Không chỉ thống nhất mảnh đất chữ S nối liền từ Bắc chí Nam, tên nước Việt Nam cũng chính là do ông trực tiếp đặt ra."
Đánh giá về một nhân vật lịch sử luôn là một chủ đề thú vị. Lịch sử hiếm khi vạch rõ được lằn ranh đúng sai, chỉ có những người chép sử thường hay dựa theo thiên kiến của mình để khen chê người xưa mà thôi.