Lê Thái Tổ (Lê Lợi, 1428-1433)
ê Lợi sinh ngày 6 tháng Tám năm Ất Sửu - 10/9/1385, là con trai thứ 3 của ông Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Thương, người ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hoá. Ngay từ khi còn trẻ, Lê Lợi đã tỏ ra là người thông minh, dũng lược, đức độ hơn người, dáng người hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai phải có nốt ruồi đỏ lớn, tiếng nói như chuông, bậc thức giả biết ngay là người phi thường.
Lớn lên, ông làm chức Phụ đạo ở Khả Lam, ông chăm chỉ dùi mài đọc sách và binh pháp, nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân lưu tán, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn.
Mùa xuân năm Mậu Tuất - 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú v.v... phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, kêu gọi nhân dân đồng lòng đứng lên đánh giặc cứu nước.
Suốt 10 năm nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi.
Sau hội thề Đông Quan, ngày 29/12/1427, bại binh của giặc bắt đầu được phép rút quân về nước an toàn, đến ngày 3/1/1428, bóng dáng quân Minh cuối cùng đã bị quét sạch khỏi bờ cõi.
Ngày 15 tháng Tư năm Mậu Thân - 1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi Vua tại điện Kính Thiên xưng là "Thuận Thiên thừa vận, Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương" đặt tên nước là Đại Việt, đóng đô ở Đông Đô (Hà Nội) đại xá thiên hạ, ban bố "Bình Ngô đại cáo" - đây chính là "Tuyên ngôn độc lập" lần thứ 2 của tổ quốc ta. Bình Ngô đại cáo mở đầu ghi:
"... Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Xét như nước Đại Việt ta,
Thực là một nước văn hiến
Cõi bờ sông núi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác..."
"Bình Ngô đại cáo" do Nguyễn Trãi thảo là một thiên anh hùng ca tuyệt vời, bất hủ, nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc ta.
* Cuộc đời và sự nghiệp: Lê Lợi - Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ Khởi nghĩa Lam Sơn, người sáng lập ra nhà Hậu Lê. Lê Lợi xuất thân là hào trưởng, có uy tín và ảnh hưởng lớn trong vùng. Quân Minh nhiều lần dụ ra làm quan, nhưng đều từ chối. Năm 1416, Lê Lợi cùng 18 người bạn thân tín mở lễ hội thề Lũng Nhai. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, xưng là Bình Định Vương, được nhân dân và hào kiệt khắp nơi hưởng ứng. Dưới sự lãnh đạo và tài cầm quân của Lê Lợi, nghĩa quân ngày càng phát triển lớn mạnh, trở thành đội quân tinh nhuệ có tổ chức, kỷ luật nghiêm gắn bó với dân. Trong 10 năm chiến đấu, Lê Lợi đã chỉ huy đánh hàng trăm trận, giải phóng đất nước. Khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng chống Minh (1418 -1427). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, đặt lại tên nước là Đại Việt, đóng đô ở Đông Quan, đến năm 1430, đổi là Đông Kinh, lập lại quan hệ bình thường với nhà Minh, ban phép “ngụ binh cư nông”, tổ chức việc học tập, thi cử tuyển lựa nhân tài cho đất nước. Sau đó Nguyễn Trãi viết bia Vĩnh Lăng (Lam Sơn, Thanh Hoá) ghi lại công lao, sự nghiệp vĩ đại của Lê Lợi. | |
Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lời bàn: "Lê Thái Tổ từ khi lên ngôi đến khi mất, thi hành chính sự, thực rất khả quan, như ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học... cũng có thể gọi là có mưu kế xa rộng, mở mang cơ nghiệp..."
Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng Tám năm Quý Sửu - 1433, hưởng thọ 49 tuổi, táng ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn, Thanh Hoá, trị vì được 5 năm, chôn ở Lam Kinh, tỉnh Thanh Hoá, miếu hiệu Lê Thái Tổ; trước lăng vua dựng tấm bia đá khắc bài văn do Nguyễn Trãi soạn ca ngợi công lao to lớn của anh hùng dân tộc Lê Lợi, truyền lại ngày nay./.