Lê Thánh Tông tên thật là Lê Tư Thành (黎思誠), là con thứ tư của Lê Thái Tông. Cuối năm 1442, Hoàng đế Thái Tông mất, Thái tử Lê Bang Cơ lên ngôi tức Lê Nhân Tông, phong Tư Thành làm Bình Nguyên vương. Năm 1459, người con cả của Thái Tông là Lê Nghi Dân giết vua Nhân Tông và cướp ngôi. Nghi Dân chỉ ở ngôi được 6 tháng. Ngày 6 tháng 6 âm lịch năm 1460, các tể phụ Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Niệm làm binh biến, bức tử Nghi Dân. Hai ngày sau, họ thấy Tư Thành có năng lực, nên bàn nhau lập ông làm vua. Lê Thánh Tông lên ngôi Hoàng đế, xưng làm Thiên Nam động chủ (天南洞主), đặt niên hiệu là Quang Thuận (sau đổi thành Hồng Đức).
Trong 38 năm trị quốc, Lê Thánh Tông đã ban bố rất nhiều chính sách nhằm hoàn thiện bộ máy quan chế, hành chính, giáo dục, luật pháp, kinh tế, xã hội, khiến Đại Việt trở thành một quốc gia ổn định và vận hành theo Tân Nho giáo. Thánh Tông còn cải tổ quân đội, trực tiếp chỉ huy các cuộc bành trướng về phía Nam và Tây, mà cụ thể cuộc xâm chiếm Chiêm Thành năm 1471, Lào và Bồn Man năm 1478. Theo Đại Việt sử ký toàn thư (bộ quốc sử được khởi soạn từ chính thời ông và hoàn tất vào thời Lê trung hưng), từ năm 1467, vua Lê Thánh Tông đã cho vẽ bản đồ lãnh thổ Đại Việt, bộ Hồng Đức bản đồ được hoàn thành vào cuối năm 1469, được bổ sung nhiều lần về sau, đã bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa[1]
Các thành tựu về nội trị và đối ngoại của Thánh Tông đã khiến Đại Việt quật khởi thành một cường quốc trong khu vực Đông Nam Á. Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư có lời nhận định của sử gia Nho thần đời sau về ông: "Vua sáng lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được...". Tuy nhiên, các nhà biên soạn quốc sử phê phán ông vì xây dựng nhiều công trình, cung điện vượt quá quy mô xưa, khắc bạc với anh em và "nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng" dẫn đến cái chết ở tuổi 56.[2][3]