Văn học dân gian có một bộ phận rất đặc sắc là thành ngữ, ở đây những chân lý đời sống được hình tượng hóa cao độ và được nén gọn trong ngôn từ rất giàu nhạc tính. Truyện Kiều vận dụng khẩu ngữ, ngoa ngữ, thành ngữ, tục ngữ; trong đó thành ngữ được vận dụng nhiều nhất. Ví như: “Thiên nhai hải giác” thành “Chân trời góc bể”; “Hồng diệp xích thằng” thành “Lá thắm chỉ hồng”; “Bình địa ba đào” trong câu “Gặp cơn bình địa ba đào/ Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em”; “Nói như ru” trong câu “Lặng nghe lời nói như ru/ Chiều thu dễ khiến nét thu ngại ngùng”; “Bạc như vôi” trong câu “Phận sao phận bạc như vôi/ Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”; “Ma đưa lối”, “Quỉ đưa đường” trong câu “Ma đưa lối quỷ đưa đường/ Lại tìm những chốn đoạn đường mà đi”; “Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều” trong câu “Dễ dàng là thói hồng nhan/ Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”…
Nguyễn Du đã sử dụng khá nhiều tục ngữ, ca dao để kiến trúc cho tác phẩm của mình; mặt khác, từ khi Truyện Kiều ra đời quần chúng nhân dân cũng lại vay mượn ngôn ngữ và nhân vật Truyện Kiều để xây dựng ca dao và dân ca. Nói về phận làm con, ca dao ta có câu: “Thức khuya, dậy sớm chuyên cần/Quạt nồng ấp lạnh, giữ phần làm con”. Miêu tả tâm trạng nàng Kiều nhớ mẹ và nghĩ đến phận làm con của mình Nguyễn Du đã trau chuốt ngôn ngữ của nhân dân, làm cho mối tình thương của cô gái trong bước phong trần càng thêm tha thiết: Xót người tựa cửa hôm mai/ Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ”?
Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã biết lọc lấy những phần ưu tú nhất trong ngôn ngữ của nhân dân, đặc biệt là ngôn ngữ văn học của nhân dân, đã biểu hiện được một chừng mực nhất định những cảm nghĩ của nhân dân đối với giai cấp thống trị đương thời, cũng như đã học tập được của nhân dân ngôn ngữ và nghệ thuật biểu hiện những cảm nghĩ ấy để sáng tạo nên một Truyện Kiều bất hủ