Có thể nói việc nhà khoa học Jenner phát minh ra vắc xin vào năm 1796 là một thành tựu khoa học vĩ đại của nhân loại. Kể từ khi văc xin ra đời loài người đã thực sự có được một loại vũ khí siêu hạng, sắc bén nhất, hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Về bản chất việc tiêm chủng chính là sử dụng vắc xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa văc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội:
Vắc xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cho nhân loại:
Khoảng 85% - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh và đương nhiên sẽ không bị chết hay di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc xin hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Vắc xin và tiêm chủng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.
Vắc xin và tiêm chủng góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực:
Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ em nên diện bảo vệ của nó là rất lớn góp phần quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.
Vắc xin và tiêm chủng góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững:
Vắc xin và tiêm chủng làm cho trẻ em khỏe mạnh, không bị ốm đau dẫn đến giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình, đặc biệt là phụ nữ không phải chăm sóc trẻ bị bệnh cũng như tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật trong mỗi gia đình. Ngoài ra tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung v.v. Bên cạnh đó vắc xin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Những thành tựu quan trọng của vắc xin và tiêm chủng trên thế giới
Bệnh Đậu mùa, đã từng giết chết 2 triệu người mỗi năm cho tới cuối những năm 1960, đã bị quét sạch vào năm 1979, sau những chiến dịch tiêm chủng toàn cầu.
Số ca mắc bệnh Bại liệt giảm từ trên 300.000/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 358 trường hợp năm 2014.
2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được Uốn ván sơ sinh
Số trường hợp tử vong do Sởi được báo cáo giảm từ 2,6 triệu/năm xuống còn 122.000 năm 2012.
Số tử vong liên quan đến Ho gà đã giảm từ 1,3 triệu/năm xuống còn 63.000 vào năm 2013.
Số mắc Bạch hầu đã giảm từ 80.000 trường hợp năm 1975 xuống còn dưới 10.000 trường hợp như hiện nay.
Vắc xin phòng Haemophilus influenza B (Hib) đã làm giảm 90% tỷ lệ mắc bệnh Viêm màng não do Hib ở châu Âu trong 10 năm.
Tổ chức Y tế thế giới ước tính rằng việc thanh toán bệnh Bại liệt đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp.
Theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, cứ chi 1 USD cho riêng vắc xin Sởi-quai bị-Rubella thì tiết kiệm được 21 USD.