Câu 1:
*Thành phần tình thái được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.
Ví dụ:
- Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu.
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)
- Không hiểu sao cứ đến lúc ấy ông Hai lại thấy buồn.
(Kim Lân, Làng)
*Câu cảm thán là câu sử dụng để bộc lộ cảm xúc như vui vẻ, đau xót ,phấn khích, ngạc nhiên,..của người nói đối với sự vật hoặc hiện tượng nào đó.
Thông thường sau câu cảm thán có dấu chấm than.
– Ôi ! Cảnh bình minh buổi sáng thật đẹp.
=> “Ôi” dùng trong câu biểu lộ cảm xúc trước hiện tượng mặt trời mọc.
– Quyển truyện tranh tôi đọc hay quá !
=> “Quá” người nói khen ngợi quyển truyện tranh hay.
Câu 2:
*Là bàn về một sự việc, hiện tượng có ý nghĩa đối với xã hội, đáng khen, đáng chê hay có vấn đề đáng suy nghĩ
*Một bài nghị luận xã hội dù dung lượng không dài cũng vẫn phải đảm bảo cấu trúc của một bài làm văn, nghĩa là vẫn phải có mở đầu, thân bài và kết luận. Phần mở bài cần phải nêu được vấn đề trọng tâm mà đề ra yêu cầu. Phần thân bài, phải triển khai tiếp các luận điểm đã được nêu ra ở phần một, và cuối cùng, phần kết luận, người viết phải đưa ra tổng kết của cá nhân mình về vấn đề đã nêu, đúng hay sai? Bài học nào được rút ra cho cá nhân người viết? Tóm lại, với một bài nghị luận xã hội, bố cục chung của bài làm nên lần lượt triển khai theo các bước sau đây:
- Ý 1: Nêu và giải thích ý kiến câu hỏi đề thi.
- Ý 2: Bàn luận mở rộng về ý kiến câu hỏi đề thi.
- Ý 3: Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân và cho mọi người.
*Ví dụ . Trình bày suy nghĩ về ý kiến: Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu .
1. Giải thích ý kiến
– Kẻ cơ hội là người lợi dụng thời cơ để mưu cầu lợi ích trước mắt, bất kể việc làm đúng hay sai; người chân chính là người luôn biết sống đúng với thực chất và phù hợp với những giá trị xã hội; thành tích là những kết quả được đánh giá tốt; thành tựu là những thành quả có ý nghĩa lớn, thường chỉ đạt được sau một thời kì phấn đấu lâu dài.
– Về nội dung, đây là ý kiến chỉ ra sự đối lập về lối sống và cách hành xử trong công việc giữa loại người cơ hội và chân chính.
2. Bàn luận về ý kiến
* Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích
– Do thói vụ lợi, bất chấp đúng sai nên trong công việc, kẻ cơ hội không cầu kết quả tốt, mà chỉ cầu được đánh giá tốt. Kẻ nào càng vụ lợi thì lại càng nôn nóng có được thành tích. Bởi thế, loại người này thường chỉ tạo ra những thành tích giả.
– Về thực chất, cách hành xử ấy là lối sống giả dối khiến cho thật giả bất phân, làm băng hoại các giá trị về đạo đức; lối sống cơ hội này đã khiến bệnh thành tích lan tràn như hiện nay.
* Người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu
– Coi trọng chất lượng thật, kết quả thật là đức tính của người chân chính. Bởi thế loại người này thường kiên nhẫn trong mọi công việc để tạo nên những kết quả thực sự, những thành quả có ý nghĩa lớn. Đối với họ chỉ có những thành quả thực sự mới tạo nên giá trị thực của con người, dù có khi phải trả giá đắt.
– Về thực chất, cách hành xử ấy thuộc về lối sống chân thực, biểu hiện của những phẩm chất cao quý; giúp tạo nên những thành quả thực, những giá trị đích thực cho mình và cộng đồng, góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên.
3. Bài học về nhận thức và hành động
– Cần nhận thức rõ đây là hai kiểu người đối lập nhau về nhân cách: một loại người tiêu cực thấp hèn cần phê phán, một mẫu người tích cực cao cả cần trân trọng.
– Cần noi theo lối sống của những người chân chính, luôn coi trọng những kết quả thật và kiên nhẫn phấn đấu để lập nên những thành tựu; đồng thời lên án lối sống cơ hội, nôn nóng chạy theo thành tích giả.