Nếu tục ngữ là kho tàng của trí tuệ dân gian thì ca dao là nơi người dân lao động xưa gửi gắm tâm tư, tình cảm. Lí trí và cảm xúc, trí tuệ và tình cảm, gặp gỡ trong mỗi con người tạo nên bản sắc, diện mạo của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Trong tục ngữ, ca dao ta tìm thấy rất nhiều điều. Từ lao động sản xuất, đấu tranh chống thiên tai đến tình yêu và niềm tự hào với quê hương, đất nước. Nội dung nào cũng sâu sắc, giàu ý nghĩa mà vẫn ý nhị. Một trong những nội dung đó là tinh thần đoàn kết và thương yêu nhau tha thiết.
Gia đình là một đơn vị sản xuất và cũng là một đơn vị sinh hoạt xã hội. Tinh thần đoàn kết, lòng yêu thương nhau bắt đầu từ gia đình, dòng họ bởi vì chim có tổ, người có tông, ai ai cũng phải gắn bó với một gia đình nhỏ bé của mình trước hết rồi mới biết gắn bó với khối cộng đồng rộng lớn.
Trong gia đình, điều đầu tiên mỗi con người phải nhớ tới, hướng tới là cha mẹ. Nhân dân ta đã đề cao điều đó qua những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Hay:
Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang
Và những lời nhắc nhở thấm đẫm yêu thương:
Cá chẳng ăn muối cá ươn
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư
Có thể nói: Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau được biểu hiện trong tục ngữ, ca dao vừa là sự tổng kết kinh nghiệm sống vừa thể hiện Lí tưởng sống của nhân dân. Đó vừa là ý thức dân tộc, vừa là tình cảm dân tộc. Đó là phần tinh hoa nhất của những tư tưởng, tình cảm cao đẹp của dân tộc ta. Phần tinh hoa đó đã được đúc kết vào những hình thức ngôn ngữ đẹp nhất, vừa giản dị dễ nhớ lại vừa mang ý nghĩa sâu sắc và rất bền vững.