Câu ca dao "Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai" đã nói lên được vẻ đẹp cũng như số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Thật vậy, câu ca dao nói lên nỗi niềm thương cảm đối với vẻ đẹp của người phụ nữ nhưng lại phải chịu số phận bất hạnh lênh đênh giữa cuộc đời sóng gió. Ngày xưa, người phụ nữ bị ràng buộc bởi "Tam tòng, tứ đức". Tam tòng là "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử"; điều này nói lên số phận lệ thuộc của người phụ nữ. Họ không được quyết định cuộc đời của mình, cuộc đời lênh đênh vô định, bị vùi dập bởi hàng trăm điều luật của xã hội xưa. Tứ đức "công, dung, ngôn, hạnh" là những phẩm chất mà một người phụ nữ thời xưa phải có. Vẻ đẹp phẩm chất của họ mãi là thước đo chuẩn mực cho người phụ nữ Việt Nam, hiền hậu, đảm đang. Ngày nay, người phụ nữ vẫn giữ được những phẩm chất đó; tuy nhiên cũng có những điều khác biệt. Xã hội cởi mở hơn với họ, người phụ nữ có nhiều cơ hội hơn để khẳng định tiếng nói và vai trò của mình trong xã hội. Rất nhiều tấm gương người phụ nữ thành đạt trên thế giới đã truyền cảm hứng cho một nửa thế giới đấu tranh cho quyền lợi của mình. Người phụ nữ ngày nay vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, vừa lo chuyện cơ quan, vừa vun đắp hạnh phúc gia đình. Tóm lại, dù có sự khác biệt nhưng người phụ nữ Việt Nam thời nào cũng mang những phẩm chất tốt đẹp, đáng được ngợi ca.