SƠ LƯỢC LỊCH SỬ VIỆT NAM
Các cuộc khảo cổ gần đây đã chứng minh sự tồn tại của con người trên lãnh thổ Việt Nam từ thời Đồ đá cũ (300.000 -500.000 năm). Vào thời kỳ Đồ đá mới, các nền văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn (gần 10.000 năm trước CN) đã chứng tỏ sự xuất hiện của nông nghiệp và chăn nuôi, có thể là cả nghệ thuật trồng lúa nước.
Dân tộc Việt Nam đã được hình thành và bước đầu phát triển trên vùng châu thổ sông Hồng và sông Mã phía Bắc của Việt Nam ngày nay. Con người từ các vùng đồi núi xuống vùng đồng bằng, từ đời này sang đời khác đã khai hoá đất để trồng trọt đã tạo ra một hệ thống đê điều để chế ngự dòng sông Hồng gây nhiều lũ lụt hàng năm. Quá trình lao động không ngừng để chế ngự nước - chống lũ, lụt, bão, hạn hán, xây dựng đê điều, đào kênh phục vụ cho việc trồng lúa - đã tạo nên nền văn minh lúa nước và văn hoá làng xã.
Thánh Gióng
Vào thời đại Đồ đồng đã ra đời một nền văn minh thống nhất và độc đáo, đạt mức độ kỹ thuật và nghệ thuật cao - nền văn minh Đông Sơn rực rỡ. Các nghiên cứu nhân chủng, lịch sử và khảo cổ gần đây đã khẳng định sự tồn tại một thời kỳ các Vua Hùng khoảng 1.000 năm trước Công nguyên trên Vương quốc Văn Lang, sau đó đổi tên là Âu Lạc. Đến thế kỷ thứ II trước Công nguyên, Âu Lạc đã bị xâm chiếm và sáp nhập vào đế chế phong kiến Hán hùng mạnh ở phương Bắc. Nhưng sự thống trị của phong kiến Trung Hoa kéo dài 10 thế kỷ đã không bẻ gẫy được sức kháng cự của dân tộc và không đồng hoá được nền văn hoá Việt Nam.
Vào thế kỷ thứ X sau Công nguyên đất nước đã giành được độc lập vững chắc và xây dựng một nhà nước độc lập mang tên Đại Việt. Đất nước đã trải qua nhiều triều đại vua chúa phong kiến mà quan trọng nhất là triều Lý (thế kỷ XI và XII), triều Trần (thế kỷ XIII và XIV), triều Lê (thế kỷ XV, XVI và XVII) với một nền hành chính tập quyền, một lực lượng quân đội mạnh, một nền kinh tế và văn hoá phát triển cao. Trong suốt thời kỳ này, Việt Nam phải liên tục đấu tranh chống lại các âm mưu xâm lược của các đế chế phong kiến Trung Hoa và Mông Cổ. Các cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ chống quân xâm lược Tống (thế kỷ XI), Nguyên (thế kỷ XIII), Minh (thế kỷ XV) đã giành những thắng lợi vang dội. Sau mỗi cuộc kháng chiến, Việt Nam trở nên mạnh hơn, các dân tộc đoàn kết hơn và đất nước bước vào một thời kỳ cường thịnh mới.
Nền văn hoá Đông Sơn được bổ sung bởi ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa đã phát triển qua nhiều thế kỷ trong khuôn khổ một nhà nước độc lập. Phật giáo, Nho giáo, Khổng giáo thâm nhập vào Đại Việt mang theo nhiều yếu tố văn hoá quần chúng và nhiều hình thức đặc biệt. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có ngôn ngữ riêng và một nền văn minh nông nghiệp phát triển khá cao.