Thanh Thảo, trong bài tiểu luận của mình, từng khẳng định: thơ có thể là “kinh thánh của tâm hồn”, là thứ không thể mua và cũng không thể bán. Bởi đó là “tiếng nói của tâm linh, tiếng nói của sự chiêm nghiệm nhiều khi là cả đời người, của nhiều đời người”. Và “muôn đời, thơ vẫn là chuyện rút ruột rút gan mình ra mà viết”. “Sóng” của Xuân Quỳnh chính là minh chứng rõ nhất cho điều ấy.
Bản chất thơ lượn bay ngoài tất cả định nghĩa và giải thích. Thơ không có đặc tính vật chất thô thiển để mô tả bằng ngũ quan nên khó chuyển hóa thơ thành khái niệm ngôn ngữ. Chưa có một định nghĩa chính xác nào về thơ. C.Mac khẳng định: “Thơ ca là niềm vui cao cả nhất mà loài người tạo ra cho mình”. Có người lại nói: thơ là “đôi nạng” giúp người “tàn tật” đứng dậy, là “thứ dây leo khó bảo” mà những lưỡi rìu thực dụng chặt đứt chỗ này nó lại mọc lên chỗ khác,… Tất cả đều rất có lí khi nói về thơ. Nhưng có một điều, Thanh Thảo đã nói thay cho tất thảy các nhà thơ trên thế gian, một tâm sự: “thơ vẫn là chuyện rút ruột rút gan mình ra mà viết”. “Rút ruột rút gan” là cách nói hình tượng của sự chân thành của người viết, lấy hết những tình cảm, đớn đau, những gì sâu kín của tâm hồn để gửi vào thơ. Đặt từ “muôn đời” lên đầu câu là sự khẳng định đầy chắc chắn đối với mọi người và mọi thời. Nhận định của Thanh Thảo về bản chất tình cảm, cảm xúc trong thơ: là tất cả tâm hồn, tình cảm và cả sâu trong tâm thức, tiềm thức của người thơ.
Thật vậy, khác với văn xuôi là “tấm gương” phản ánh chân thực nhất về cuộc sống bên ngoài qua ngôn ngữ khách quan, kịch viết cuộc sống bằng nhữn xung đột thì thơ lại nhìn cuộc sống bằng con mắt của tình cảm, bằng sự rung động của trái tim. Bởi thơ là loại hình của tình cảm, luôn đặt tình cảm là yếu tố hàng đầu để viết. Đặc biệt, đó không phải là tình cảm hời hợt, vu vơ, nhất thời mà là những tình cảm mãnh liệt: “Nếu những nỗi đau khổ từ lâu bị kiềm chế, nay sôi dục dâng lên trong lòng thì tôi viết” (Nê – krat-xtop). Cổ nhân gọi là “chân tâm thực ý”: “nếu ta có chân tâm thực ý thì người đọc thơ không ai không thấy bùi ngùi, cảm động”. (Kim Thánh Thán). Đặc biệt, thi sĩ lại không phải người bình thường, họ là “người mơ, người say, người điên” (Hàn Mặc Tử). Những gì học viết chính là những ngóc ngách thành thực nhất, những tình cảm chân thành nhất, và đôi khi còn là những giây phút thần hứng, đi vào cõi tiềm thức và vô thức trong chính tâm hồn mình. Chỉ bằng cách đó, thơ ca mới thực sự sống, thực sự có chỗ đứng trong lòng người. Dọc theo suốt hành trình văn học, những áng văn chương bất hủ, từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Hàn Mặc Tử, Lưu Quang Vũ, Thanh Thảo chẳng phải đều viết bằng “huyết lệ”; những áng thi ca của Đường thi, của Tagore hay Puskin chẳng phải đều viết bằng “máu và nước mắt” hay sao?
Không còn phân biệt được sóng tạo nên Xuân Quỳnh, hay Xuân Quỳnh đã tạo nên sóng. Chỉ biết rằng người con gái ấy sinh ra là để dành cho thơ. Thơ ca, với Xuân Quỳnh, gắn liền với sự sống, tình yêu; làm thơ là nữ sĩ được sống với chính mình, sống đủ đầy trọn vẹn là mình. Mỗi bài thơ đều là tiếng nói chân thành nhất của một tâm hồn phụ nữ giàu trắc ẩn, vừa âu lo vừa da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường. Bài thơ “Sóng” là
kết quả của chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền – Thái Bình cuối năm 1967,
được đưa vào tập thơ “Hoa dọc chiến hào” (1968). “Sóng” với “em”, hai mà như một,
một trong hai, song hành cùng nhau để thể hiện sâu sắc nhất cảm xúc của chủ thể
trữ tình. Không bị mắc kẹt bởi nguồn thơ lửa máu, thơ Xuân Quỳnh vẫn vẹn nguyên những nét hồn hậu, nồng nàn mà đắm say, tha thiết của một tâm hồn luốn khát khao yêu thương, khát khao hạnh phúc.