Bạn tham khảo,
Đọc truyện “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn Mĩ O-Hen-ri, ta bồi hồi xúc động về tấm lòng nhân ái cao cả của một người hoạ sĩ nghèo, cô đơn. Bơ-men là một người nghệ sĩ nghèo đã có bốn mươi năm kinh nghiệm, cụ luôn đi tìm một kiệt tác cho mình, thế nhưng cụ vẫn chưa có một tác phẩm để đời nào. Trái ngược với hoàn cảnh sống, với tuổi già, cụ không ngừng khát khao, hy vọng, tin vào ước mơ và làm đủ mọi việc để kiếm sống, để thực hiện ước mơ. Cụ luôn mặc chiếc áo xanh - màu của niềm tin và hy vọng. Cụ chế giễu, nhạo báng những con người thiếu nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Cụ Bơ-men còn là một người nghệ sĩ tràn trề nghị lực, thiết tha, yêu thương cuộc sống, không ngừng khao khát cống hiến cho cuộc đời, cho nghệ thuật. Người nghệ sĩ già đó đã tạo nên “Chiếc lá cuối cùng” - một kiệt tác đã hồi sinh cuộc đời một con người, trong một hoàn cảnh thật đặc biệt: vào một đêm khuya giông bão. "Chiếc lá cuối cùng" là kết tinh của một tấm lòng nhân ái cao cả, nó là một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Cụ đã dồn hết khát khao, tâm huyết, kinh nghiệm, tài năng và tất cả tình yêu thương đối với con người để hoàn thành kiệt tác của đời mình. Cụ Bơ-men đã đánh bại được tử thần, trả lại màu xanh cho chiếc lá úa vàng, trả lại sức sống và màu hồng cho đôi má Giôn-xi, nghị lực và niềm tin cho những người yếu đuối trong cuộc đời. Bơ-men đã cứu sống một con người bằng nghệ thuật và người nghệ sĩ ấy đã đánh đổi bằng cả cuộc sống của chính bản thân mình. Qua hình tượng nhân vật Bơ-men, O Hen-ri đã gửi đến một bức thông điệp về nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính phải bắt nguồn từ tình yêu thương, từ đó đánh thức niềm tin vào cuộc sống và mở đường cho những khát vọng lớn lao.