Hang Dơi Mộc Châu còn gọi với cái tên mỹ miều là Động Sơn Mộc Hương, được ví như một tác phẩm nghệ thuật mà thiên nhiên tạo tác cho cao nguyên Mộc Châu. Đây là một hang đá tự nhiên nằm dưới dãy núi trùng điệp ngay gần thị trấn Mộc Châu. Nơi đây không những có cảnh đẹp của thiên tạo, gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ, mà còn lưu dấu tích của người Việt Cổ.
- Giới thiệu về Hang Dơi Mộc Châu, người dân ở đây cho biết, trước đây loài Dơi sinh sống rất nhiều trong hang nên mới có tên gọi như vậy. Còn người dân tộc Thái thì gọi là hang Sa Lai (hang Nước) vì trong lòng núi có mạch nước ngầm chảy quanh năm không cạn.
Từ chân núi tới cửa hang phải qua 240 bậc đá, không quá cao cũng không quá thấp, vừa đủ cho một chuyến leo núi thú vị. Từ cửa hang nhìn xuống là khung cảnh quốc lộ 6 thẳng tắp chạy qua thị trấn Mộc Châu với những nóc nhà san sát, ẩn hiện trong màn sương trắng.
Dãy núi quanh hang được ví như thân rồng uốn lượn, cảnh sắc trong ngày thay đổi liên tục, trắng ngần lúc ban mai, xanh biếc buổi trưa, rực hồng buổi chiều, tím biếc lúc hoàng hôn. Cửa hang có hình dáng như miệng một con rồng khổng lồ, men theo lối đi 2 bên tựa hai mép rồng, ở giữa là một hòn đá nhô ra như lưỡi rồng, trần hang cao, nền hang bằng phẳng, không gian rộng và thoáng.
- Theo thuyết minh về Hang Dơi Mộc Châu, nơi đây có diện tích khoảng 6.915 m2, là hang động Catxtơ đá vôi điển hình nằm ở độ cao gần 100m so với mặt đất, hang có chiều dài 80m, cao 20m, rộng 25m, kết cấu thành 3 khoang lớn, được ngăn bằng các bức tường thạch nhũ.
Khi bước vào trong, ấn tượng đầu tiên về hình ảnh Hang Dơi Mộc Châu là cảnh sắc diệu kỳ của những tia sáng mờ ảo hắt xuống từ các khe hở trên trần cao, làm ánh lên màu sắc lấp lánh của vô vàn nhũ đá muôn hình, điểm tô những cột măng đá vút cao như muốn chạm trần... và có những nhũ đá mang hình dáng ông tiên, cô gái ngồi quay sợi dệt vải, mẹ bồng con, hình đụn thóc, cây đồng tiền, mâm ngũ quả, hình voi, sư tử, hổ, báo, đại bàng... cho trí tưởng tượng của du khách thỏa sức bay xa.