Tiếng gà còn gợi nhắc người lính nhớ về một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, ấy là tình bà cháu. Chỉ trong bốn khổ thơ nhưng tác giả đã gói ghém đầy đủ nỗi nhớ về những năm tháng được sống cùng bà dưới mái nhà yên ấm. Trong con mắt của cháu, bà hiện lên thật dung dị với biết bao phẩm chất tốt đẹp. Trước hết bà là người tần tảo, chắt chiu. Trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn nhưng bà luôn cố gắng chắt chiu dành cho cháu những điều hạnh phúc, ấm no nhất. Những hình ảnh, chi tiết như: “Tay bà khum soi trứng/ Dành từng quả chắt chiu” hay “Bà lo đàn gà toi/ Mong trời đừng sương muối” đó là những hành động giản dị, mong ước thiết thực của bà cốt cũng để dành cho cháu những điều cháu muốn, đó là bộ quần áo mới mỗi độ tết đến xuân về. Cả đời bà tảo tần, vất vả chỉ luôn nghĩ và hi sinh vì con vì cháu, bà chưa một lần nghĩ cho mình, nghĩ vì mình. Hình ảnh người bà trong bài thơ cũng là hình ảnh của biết bao người bà Việt Nam, luôn dành trọn tình yêu thương, chăm lo, chi chút cho cháu.