1.
– Nghệ thuật tương phản: tác phẩm dựng lên hai cảnh tương phản lớn nhất là cảnh những người dân đi hộ đê và cảnh quan phủ ngồi đánh bài trong đình.
+ Tương phản về không gian: một bên là ngoài trời mưa tầm tã, nước sông càng ngày càng lên cao; một bên là không gian trong đình, đèn thắp sáng, nha lại lính tráng đi lại rộn ràng, phục vụ cho các quan ngồi chơi bài- và xung quanh chỗ quan ngồi là đầy đủ những đồ vật quý giá, tiện nghi khác cũng để phục vụ quan phủ.
+ Tương phản về không khí: ngoài đê thì ồn ào, xao xác, đủ mọi âm thanh chiêng trống thúc người hộ đê; trong đình thì tĩnh mịch, nghiêm trang.
+ Tương phản về thái độ, hành động: người dân thì “rối rít”, huy động mọi sức người sức của để giữ đê; quan phủ và bọn sai nha thì ung dung, điềm tĩnh ngồi chơi bài đến cuối cùng.
– Nghệ thuật tăng cấp: truyện có thể chia làm bốn cảnh nhỏ, mỗi cảnh khắc họa sâu sự tương phản giữa người dân và quan phủ, đồng thời càng ngày càng tăng cao mức độ kịch tính.
+ Cảnh thứ nhất: giới thiệu chung về hoàn cảnh của người dân hộ đê và quan phủ.
+ Cảnh thứ hai: quan chờ bài ù – có tiếng kêu vang trời dậy đất- có người nhắc quan “dễ có khi đê vỡ” nhưng quan gắt “mặc kệ” và tiếp tục chơi bài.
+ Cảnh thứ ba: tiếng người kêu rầm rĩ, tiếng nước chảy ào ào…một người dân quê chạy vào báo tin đê vỡ- quan quát mắng người dân và sai lính đuổi đi- quan giục thầy đề bốc bài.
+ Cảnh thứ tư: quan hạ bài, ù to, reo mừng sung sướng- ngoài kia, nước ngập lênh láng, cuốn trôi nhà cửa, lúa má, người dân lênh đênh, khốn khổ.
2.
– Tác dụng của nghệ thuật tương phản và tăng cấp:
+ Giá trị hiện thực sâu sắc: phơi bày bức tranh hiện thực đời sống hai mảng đối lập: cuộc sống khốn quẫn của người dân lao động nhỏ bé và cuộc sống xa hoa của quan phủ; tố cáo bản chất bất nhân, “lòng lang dạ thú” của quan phụ mẫu.
+ Giá trị nhân đạo thắm thiết: tác giả thể hiện ở niềm thương xót không giấu giếm đối với tình cảnh của những người dân lầm than, cơ cực và thái độ phẫn nộ với tên quan phủ bạc ác, nhẫn tâm.
+ Tạo hiệu quả nghệ thuật cao cho truyện ngắn, thể hiện tính chất hiện đại của truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XX; tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc nhờ kịch tính gay gắt.