Tình cảm của người cháu đối với bà đã được diễn tả sinh động qua khổ thơ cuối của tác phẩm. Trước đây,đó là một khung cảnh nghèo nàn với cái đói bủa vây, bà vẫn chăm chút, yêu thương cháu. Nay cháu đã đi xa, đến nơi hoàn toàn khác. Điệp từ “trăm” mở ra một thế giới rộng lớn với bao điều mới mẻ. Tuổi thơ đã lùi xa, đứa cháu nhỏ năm xưa giờ đã lớn khôn, đã được chắp cánh bay cao, bay xa đến những chân trời cao rộng có “khói trăm tàu”,”lửa trăm nhà”,”niềm vui trăm ngả”. Tuy thế, cháu vẫn khôn nguôi nhớ về bà và bếp lửa quê hương, nhớ về góc bếp, nơi nắng mưa hai bà cháu có nhau. Cháu sẽ không bao giờ quên và chẳng thể nào quên được vì đó chính là nguồn cội, là nơi mà tuổi thơ của cháu được nuôi dưỡng để lớn lên từ đó. Hình ảnh bà cũng chính là hình ảnh quê hương đất nước một thời gian khó, đạn lửa. Bà và quê hương yêu dấu là điểm tựa, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cháu trên mỗi bước đường đời.