Cách làm đề nghị luận xã hội về bản tin trên báo
1. Thời gian gần đây, đề thi ngữ văn thường xuất hiện kiểu bài nghị luận xã hội , đề đọc hiểu về một đoạn trích trên báo. Những đề thi yêu cầu học sinh luận bàn về các hiện tượng có thật của đời sống xã hội ngày càng trở nên quen thuộc, đem lại sự hứng thú cho thí sinh, góp phần đưa văn chương tới gần với cuộc sống.Ví dụ như câu chuyện về em Nguyễn Văn Nam hi sinh thân mình cứu bạn được đưa vào đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2013. Có thể nói đây là dạng đề khá phổ biến ,tuy nhiên một số em học sinh còn lúng túng chưa biết cách làm hoặc làm theo cảm tính dẫn đến kết quả không cao.
Chẳng hạn có đề bài như sau :
“Sau khi Công viên nước Hồ Tây tạm đóng cửa vì quá tải, hàng trăm thanh niên, phụ huynh, trẻ em đã mạo hiểm trèo rào vào trong tắm miễn phí gây nên cảnh hỗn loạn sáng 19/4.Để được vào chơi trong công viên nước Hồ Tây, không ít người đã bất chấp nguy hiểm, vượt qua hàng rào sắt sắc nhọn để vào bên trong. Thậm chí, nhiều cô gái mặc váy cũng táo tợn leo rào vào công viên nước, mặc kệ bao người “mắt tròn mắt dẹt” bên dưới. Các bậc phụ huynh cũng bế con leo rào, dù những đứa trẻ khóc lóc sợ hãi…”
(Theo dân trí.com)
Anh /chị có suy nghĩ gì về hiện tượng trên.
2. Cách làm dạng đề này như sau:
+Đọc kĩ bản tin và xác định rõ nội dung mà bản tin đề cập đến
+Xác định kiểu bài nghị luận :Nghị luận về tư tưởng đạo lí hay nghị luận về hiện tượng xã hội?
+Tóm lược nội dung bài báo
+Bàn luận về hiện tượng/ vấn đề đặt ra trong bài báo.
Tiến hành lập dàn ý và viết bài: tùy thuộc vào vấn đề mà bản tin đề cập đến, chúng ta sẽ có những dàn ý khác nhau cho mỗi bài văn. Nếu chưa biết các bước làm bài thì các em bấm vào đây: Nghị luận về tư tưởng đạo lí , Nghị luận về hiện tượng xã hội.
+Trình bày quan điểm cá nhân về vấn đề nghị luận
Gợi ý giải bài tập minh họa ( ở phần 1 ):
Đây là dạng đề nghị luận về hiện tượng xã hội, nên bài làm về cơ bản cần có các ý sau:
Bước 1: Miêu tả hiện tượng được đề cập đến trong bài
Tóm lược nội dung bài báo :Nhiều người vượt rào vào công viên nước Hồ Tây để được tắm miễn phí.
+ Chỉ ra thực trạng ( biểu hiện của thực trạng) : đây là hiện tượng mang tính phổ biến. Ví dụ :Tháng 12/2013, tại lễ hội bia được tổ chức tại cung thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) thu hút hàng nghìn người tham gia. Cả người lớn lẫn trẻ nhỏ sẵn sàng lách qua các bom bia vốn được lập làm rào chắn để nhận bia, khiến ban tổ chức lễ hội cũng được một phen “hốt hoảng”.
Bước 2: Phân tích các mặt đúng – sai, lợi – hại của vấn đề ( hậu quả )
Phân tích tác hại của vấn đề : Gây nên cảnh hỗn loạn, cảnh chen lấn xô đẩy gây mất mĩ quan đô thị. Nhiều phụ huynh bế con theo, nhiều cô gái trẻ mặc váy vẫn tự tin vượt rào tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn kinh hoàng vô cùng phản cảm và đáng xấu hổ.
Bước 3: Giải thích nguyên nhân:
-Bởi một số người dân ở thành thị có xu hướng hành xử theo thói quen tùy tiện, a dua theo số đông
–Tâm lí ham của rẻ , thích hàng khuyến mại, giảm giá, dịch vụ miễn phí của người Việt
-Do công tác quản lý chưa chặt chẽ đã để xảy ra những cảnh như vậy ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, người quản lý cũng phải chịu phần trách nhiệm.
Bước 4: Bày tỏ thái độ, ý kiến đánh giá của người viết về hiện tượng. Đề xuất giải pháp khắc phục hiện tượng
Học sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân về hiện tượng, miễn là phải hợp lí và thuyết phục.
Xem thêm : Những bài văn nghị luận xã hội hay lớp 12